Chương trình OCOP làm thay đổi nhận thức trong đầu tư sản xuất, kinh doanh

Thứ 3, ngày 29 tháng 12 năm 2020 - 16:33

Ngày 28/12, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội nghị Sơ kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.


Ngày 28/12, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội nghị Sơ kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Người dân tham quan và mua sắm sản phẩm OCOP Quảng Nam tại một hội chợ. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm-TTXVN

Để nâng cao số lượng và chất lượng các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) và tầm quan trọng của các sản phẩm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong nhận thức của mọi người, đặc biệt là đối với khu vực nông thôn, ngày 28/12, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội nghị Sơ kết Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Ông Hồ Quảng Bửu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã đánh giá cao hiệu quả của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Chương trình đã có nhiều tác động làm thay đổi đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương, đặc biệt là đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong đầu tư sản xuất và kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao theo hướng bền vững.

Ông Hồ Quảng Bửu nhấn mạnh, các cấp ủy, chính quyền, hội, đoàn thể tại các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi hơn để người dân thực hiện chương trình không chỉ trong giai đoạn 2020 - 2025, mà xem đây là một chương trình chỉ có điểm khởi đầu chứ không có điểm kết thúc.

Tại hội nghị, dựa vào thực tiễn kinh tế - xã hội, điều kiện tự nhiên, văn hóa, phong tục tập quán của các địa phương trên địa bàn tỉnh và những thành tựu mà Chương trình OCOP đã đạt được trong 3 năm qua (2018 - 2020), các đại biểu đã tập trung tranh luận, bàn bạc và thống nhất đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp hữu hiệu nhất để triển khai chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025.

Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam phấn đấu củng cố, nâng cấp hơn 200 sản phẩm OCOP đã được công nhận trong giai đoạn 2018 - 2020 và phát triển mới ít nhất 200 sản phẩm.

Đến năm 2025, mỗi xã có tối thiểu 2 sản phẩm đạt 3 sao trở lên; tỉnh có ít nhất 5 sản phẩm chủ lực cấp tỉnh đạt 5 sao, sản phẩm phát triển theo chuỗi giá trị, liên kết chặt chẽ, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản trị chất lượng, tham gia thị trường xuất khẩu.

Qua đó, tổng doanh số bán hàng OCOP đạt trên 300 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2020, lợi nhuận đạt trên 80 tỷ đồng. Doanh thu của các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận năm sau tăng hơn năm trước.

Do đó, tỉnh sẽ cũng cố và phát triển các tổ chức kinh tế tham gia OCOP với ít nhất 50 tổ chức kinh tế đã tham gia sản xuất kinh doanh OCOP sẽ được cũng cố, nâng cấp và phát triển thêm khoảng 30 doanh nghiệp, 50 hợp tác xã tham gia mới.
Đặc biệt, trong giai đoạn này, tỉnh sẽ xây dựng 45 điểm bán hàng OCOP, 8 trung tâm OCOP cấp huyện, 1 trung tâm OCOP cấp tỉnh và 1 trung tâm OCOP cấp vùng để tạo điều kiện cho người dân có điều kiện tiếp cận với các sản phẩm OCOP, qua đó quảng bá các sản phẩm rộng rãi ra với người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ chú trọng phất triển thêm về số lượng và chuyên môn cho nguồn nhân lực thực hiện chương trình.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, trong giai đoạn này, tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, các cấp ủy, chính quyền và các hội, đoàn thể trên địa bàn tỉnh về chương trình. Tỉnh Quảng Nam sẽ kiện toàn và nâng cao năng lực bộ máy quản lý, thực hiện Chương trình OCOP từ tỉnh đến cơ sở.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, chương trình sẽ tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ 4.0, xây dựng và triển khai các đề tài nghiên cứu và phát triển công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm OCOP…

Bên cạnh đó, chương trình sẽ tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.
Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 là 423 tỷ 300 triệu đồng.

Theo báo cáo của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, trong 3 năm (2018 - 2020) thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, hiện nay tỉnh Quảng Nam đã có 135 sản phẩm được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận sản phẩm OCOP.

Trong thời gian tới, Chi cục sẽ tiếp tục trình thêm 75 sản phẩm lên UBND tỉnh công nhận, nâng tổng số sản phẩm OCOP Quảng Nam lên 210 sản phẩm.
Ông nguyễn Phi Hồng, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, để đạt được các thành tựu trên, trong 3 năm qua, việc đào tạo, tập huấn cho cán bộ, chủ thể tham gia thực hiện chương trình luôn được quan tâm chú trọng.
Chương trình đã tổ chức 10 lớp tập huấn về kỹ năng tuyên truyền; nâng cao năng lực quản lý điều hành; xây dựng, triển khai phương án kinh doanh hoặc dự án sản xuất- kinh doanh, phát triển sản phẩm…; các chuyên đề về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn cơ sở; đăng ký và xây dựng thương hiệu, ghi nhãn mác hàng hóa; quản lý chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; bán hàng qua mạng… cho trên 1.200 lượt người./.

Người sưu tầm: Nguyễn Văn Hiệp/Nguồn: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN