Một số giải pháp thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2024.

Thứ 2, ngày 25 tháng 3 năm 2024 - 16:10

Sau 05 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP kể từ khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện Chương trình trong phạm vi cả nước, tỉnh Tuyên Quang đã đạt được kết quả tích cực: Chương trình OCOP đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân và chủ thể về tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá, nhận thức được vai trò quan trọng trong liên kết sản xuất, biết phát huy hiệu quả sức mạnh cộng đồng, trí tuệ bản sắc địa phương để tạo ra sản phẩm nông sản hàng hoá phong phú hơn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.


Theo kết quả báo cáo tại Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 248 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, vượt 7,8% mục tiêu phấn đấu về số lượng sản phẩm OCOP đến năm 2025; đã có 120/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt 87% mục tiêu năm 2025, điển hình có huyện Sơn Dương và huyện Na Hang đã có 100% xã, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.

Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình OCOP cũng còn có nhiều khó khăn, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Cụ thể như: Tỷ lệ sản phẩm OCOP hạng 4 sao còn thấp và chưa có sản phẩm nào được công nhận đạt hạng 5 sao; một số sản phẩm đã hết thời hạn nhưng chủ thể không lập hồ sơ đánh giá phân hạng lại.

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Với chức năng nhiệm vụ được giao tham mưu cho cơ quan Thường trực OCOP cấp tỉnh là Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Phát triển nông thôn sẽ đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong năm 2024, như sau:

Thứ nhất là về công tác chỉ đạo điều hành

Chi cục Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tham mưu cho Sở đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành, Ủy ban nhân dân các cấp đưa chương trình OCOP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị để chỉ đạo thực hiện và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm đưa ra các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ và đạt được các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 02/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị sơ kết thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025

Bên cạnh đó, các ngành chuyên môn là thành viên Hội đồng OCOP cấp tỉnh cần có chỉ đạo các đơn vị, phòng chuyên môn trực thuộc tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp huyện, cấp xã về những quy định chuyên môn thuộc lĩnh vực ngành, đơn vị quản lý trên cơ sở 6 nhóm sản phẩm tham giá chương trình OCOP “nhất là các quy định về an toàn thực phẩm, nhãn hàng hoá, môi trường” để tạo nguồn lực trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đánh giá phân hạng, nâng hạng, đánh giá lại sản phẩm OCOP kịp thời, đúng quy định đạt hiệu quả tại cơ sở.

Thứ hai là về công tác tuyên truyền

Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp về Chương trình OCOP, lồng ghép các chương trình công tác, lĩnh vực ngành, đơn vị tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng bằng nhiều hình thức để người dân và các chủ thể biết về lợi ích trong việc tham gia chương trình OCOP.

Tổ chức các lớp tập huấn tuyên truyền nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất về lợi ích trong việc tham gia Chương trình OCOP để doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất chủ động nguồn lực đầu tư nâng cấp dây truyền thiết bị tiên tiến, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến sản phẩm, cải tiến mẫu mã tem nhãn, bao bì bắt mắt... cũng như kinh phí dành để tham gia các Hội chợ, Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm được tổ chức trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước nhằm tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.

Tăng cường công tác hướng dẫn các chủ thể sản phẩm tổ chức sản xuất tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về điều kiện an toàn trong sản xuất, chế biến thực phẩm; quy định bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định; phát huy tốt sức mạnh cộng đồng, phát huy những giá trị tiềm năng, lợi thế vùng miền trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba là thực hiện tiêu chuẩn hoá, phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP

Các cấp, các ngành cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách sách hỗ trợ của tỉnh tại các văn bản, như: Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hưu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 của HĐND tỉnh về Quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025

Đối với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn cần chủ động lồng ghép các nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn đảm bảo hiệu quả. Tuyên truyền, vận động, khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình tham gia Chương trình OCOP. Chủ động công tác kiểm tra, giám sát địa bàn để xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất tiêu chuẩn hoá sản phẩm đạt Bộ tiêu trí tham gia lập hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm OCOP.

Hướng dẫn các chủ thể sản phẩm OCOP tổ chức sản xuất phải gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị, đồng thời sản phẩm OCOP phải được chuẩn hóa và phát triển theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất của từng địa phương và yêu cầu thị trường và thực hiện tốt các hoạt động kiểm soát chất lượng sản phẩm theo chuỗi từ khâu sản xuất vùng nguyên liệu đến sơ chế, phân loại, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn liền với truy suất nguồn gốc sản phẩm.

Tập trung rà soát, hướng dẫn các chủ thể sản phẩm OCOP đã được chứng nhận sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 – 2022 tiêu chuẩn hoá sản phẩm theo Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ để khi tham gia đánh giá lại vẫn giữ được thứ hạng sao; Đồng thời rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết lựa chọn lộ trình ưu tiên các sản phẩm tiềm năng đạt thứ hạng sao, lồng ghép các chương trình, chính sách tập trung hỗ trợ đạt tiêu chí sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, chú trọng nâng hạng sản phẩm 4 sao và 5 sao và Tăng cường quản lý chặt chẽ việc in bao bì sử dụng nhãn hiệu OCOP theo đúng quy định tại Quyết định số 1162/QĐ-VPĐP-OCOP ngày 17/9/2020 của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương về quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam.

Thứ tư là tập trung thực hiện các dự án thí điểm sản phẩm OCOP và kế hoạch tiêu chuẩn hoá sản phẩm OCOP 5 sao và mô hình thí điểm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025

Các huyện, thành phố cần tập trung triển khai thực hiện các dự án thí điểm sản phẩm OCOP và hỗ trợ phát triển nâng cấp sản phẩm, đặc biệt chú trọng tiêu chuẩn hoá sản phẩm đạt hạng 5 sao: Ưu tiên các hoạt động, nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách của tỉnh hoặc các dự án phát triển sản xuất bằng nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện mô hình điểm về phát triển sản phẩm OCOP, mô hình điểm về hợp tác xã kiểu mới và các cơ sở chủ thể đăng ký sản phẩm đánh giá phân hạng 5 sao.

Thứ năm là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát

Các cấp, các ngành theo chức năng nhiệm vụ từng đơn vị cần tăng cường kiểm tra thực tế một số cơ sở có sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng và sản phẩm đã xếp hạng về việc tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sử dụng và in nhãn hiệu, thứ hạng trên bao bì đối với các sản phẩm đã được xếp hạng sản phẩm OCOP; công tác triển khai, tổ chức thực hiện, hỗ trợ tiêu chuẩn hoá, hướng dẫn lập hồ sơ đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất (chủ thể) có sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng, nâng hạng, đánh giá lại sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các đơn vị chuyên môn cần tăng cường công tác tổ chức kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến theo phân cấp (cấp giấy chứng nhân cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm) đối với các chủ thể sản phẩm được chứng nhận xếp hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn, đánh giá thực trạng việc thực hiện, tuân thủ (không tuân thủ) các quy định về an toàn thực phẩm của các chủ thể sản phẩm OCOP trong sản xuất, chế biến; nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ thể trong thực hiện các quy định an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Hơn nữa, cán bộ chuyên môn cấp huyện cần thường xuyên kiểm tra, giúp đỡ các chủ thể trong quá trình thực hiện, từ khâu đăng ký sản phẩm tham gia cho đến quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh sản phẩm, hoàn thiện sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, nâng hạng sản phẩm.

Du khách thăm quan gian hàng tại Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Thứ sáu là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại

Cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các Website của tỉnh, các sở, ban, ngành; trên điện tử ocop. snntuyenquang.gov.vn, trên trang thông tin điện tử, Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang và quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên các trang mạng xã hội, như: zalo, facabook...; thực hiện chương trình cung cấp thông tin thương mại đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất, nhất là địa bàn nông thôn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất chủ động, mạnh dạn đầu tư dây truyền thiết bị tiên tiến, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến sản phẩm cũng như kinh phí để tham gia các Hội chợ, Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm được tổ chức trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước; tham gia chuỗi thương mại điện tử sản phẩm OCOP, giới thiệu sản phẩm trên trang thương mại điện tử website: ketnoiocop.vn; postmart.vn, voso.vn, santmdttuyenquang.gov.vn… nhằm tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm; kết nối đưa sản phẩm tiêu thụ tại cửa hàng bán sản phẩm OCOP.

Đồng thời tổ chức, tham gia các hội nghị, diễn đàn, hội chợ xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế nhằm quảng bá sản phẩm và huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình OCOP; tổ chức gặp gỡ, tham quan, chào hàng các sản phẩm OCOP và kết nối tiêu thụ sản phẩm; tổ chức đoàn xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường.

Có thể nói Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp, góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn và gia tăng giá trị sản phẩm; đưa thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp đến người tiêu dùng, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh.

Bên cạnh đó, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và cả cộng đồng những người làm nông nghiệp để tiếp tục đạt được những thành tựu mới, đưa ngành nông nghiệp của tỉnh nói chung, sản phẩm OCOP nói riêng phát triển ổn định, bền vững và hội nhập, góp phần đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc./.

Người viết bài: Ngô Tuyết Nhung - Chi cục Phát triển nông thôn