Huyện Sơn Dương công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023

Thứ 2, ngày 22 tháng 4 năm 2024 - 15:39

Ngày 22 tháng 4 năm 2024, UBND huyện Sơn Dương tổ chức Hội nghị công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023; kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Sơn Dương.


Dự Hội nghị có đồng chí Phạm Hữu Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT: Chi cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường, Chi cục Phát triển nông thôn thôn, Trung tâm Khuyến nông; đại diện Sở Công Thương; các phòng ban chuyên môn cấp huyện, UBND các xã, thị trấn, các chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Sơn Dương và một số đơn vị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của huyện Sơn Dương.

Quang cảnh Hội nghị công bố kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 của huyện Sơn Dương

          Tại Hội nghị, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân huyện Sơn Dương đã trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao (đánh giá lần đầu) cho 13 chủ thể với 16 sản phẩm, gồm các sản phẩm: Tằm lá sắn, Mật ong Quyết Thắng, Hame Honey (mật ong Hàm Ếch), Rượu men lá Giang Hằng, Cao An Xoa nguyên chất, Chè Tân Thượng, Nấm Sò tươi, bánh giầy Thanh Nhàn, Giò dăm bông Sáng Nhung, Lạp xưởng lợn Sáng Nhung, chả mỡ lợn Sáng Nhung, chả Quế Sáng Nhung, chè Liên Phú, Trà, chân giò muối tiêu, rượu men lá Long Hà, bún khô Đồng Quý và 03 sản phẩm đánh giá phân hạng lại là: Chè xanh Trung Long, Bột sắn dây Thục Sơn SD, Tinh bột nghệ cáo cấp Tiến Phát.

 

Lãnh đạo UBND huyện Sơn Dương trao giấy chứng nhận công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao năm 2023 cho các chủ thể.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình OCOP, trên địa bàn huyện Sơn Dương đã đánh giá, phân hạng, công nhận 49 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao và 4 sao; đến thời điểm hiện tại còn 46 sản phẩm OCOP (10 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 36 sản phẩm xếp hạng 3 sao; có 03 sản phẩm đã đánh giá năm 2020 chủ thể không tham gia đánh giá phân hạng lại) của 36 chủ thể trong đó có 24 hợp tác xã, 02 doanh nghiệp, 02 tổ hợp tác và 08 hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn 30/31 xã, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt 97% kế hoạch; còn có duy nhất xã Bình Yên hiện tại không có sản phẩm OCOP, năm 2020 xã Bình Yên đã có sản phẩm nấm sò Bình Yên đạt hạng OCOP 3 sao, đã hết thời hạn, nhưng chủ thể không lập hồ sơ tham gia đánh giá phân hạng lại. Một số sản phẩm OCOP điển hình của Sơn Dương là: Rau, củ, quả sạch của  Công ty TNHH MTV GreenFarm, xã Kháng Nhật; Trà cà gai leo Hợp Hoà của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hoà; các sản phẩm chế biến từ thịt lợn của Hợp tác xã sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung, xã Đông Thọ; Tinh bột nghệ Tiến Phát của Hộ kinh doanh Đào Huy, xã Cấp Tiến; Bột sắn dây Thục Sơn SD, Chè xanh Trung Long, Chuối sẫy giòn, chả cá Sơn Nga, Rượu gạo men lá Hùng Phát, Rượu men lá Thắm Liên,…

Ký kết hợp đồng hợp tác tiêu thụ sản phẩm OCOP tại Hội nghị công bố

kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 của huyện Sơn Dương.

Tại Hội nghị, đã có một số doanh nghiệp, đơn vị phân phối và tiêu thụ sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh đã ký kết hợp đồng hợp tác tiêu thụ sản phẩm với một số Hợp tác xã, cơ sở sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Sơn Dương. Việc thực hiện ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm tại Hội nghị đã mở ra cơ hội mới và triển vọng để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các tổ chức cá nhân trên địa bàn huyện Sơn Dương, tìm kiếm cơ hội hợp tác mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản, sản phẩm đặt sản, sản phẩm OCOP của huyện Sơn Dương nói riêng và của tỉnh Tuyên Quang nói chung đến khắp các tỉnh thành trong cả nước và hướng tới xuất khẩu.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP, tiếp tục tạo sự lan toả tích cực, phát huy tốt nội lực tại địa phương, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Trong thời gian tới, UBND huyện Sơn Dương cần tiếp tục chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt các nội dung sau:

(1) Tiếp tục quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình OCOP gắn với chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu đạt được các mục tiêu theo Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 02/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025.

(2) Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức theo dõi chương trình OCOP ở cơ sở về những quy định, yêu cầu khi tham gia chương trình OCOP, nhất là các quy định về an toàn thực phẩm, nhãn hàng hoá, bảo vệ môi trường trong sản xuất, phát huy tốt sức mạnh cộng đồng, phát huy những giá trị tiềm năng, lợi thế vùng miền trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương,… để vận động, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể OCOP đăng ký tham gia đánh giá phân hạng, nâng hạng, đánh giá lại sản phẩm OCOP kịp thời, đúng quy định đạt hiệu quả cao ngay từ cơ sở.

(3) Tập trung hỗ trợ, chú trọng phát triển, nâng cao chất lương sản phẩm OCOP, rà soát đánh giá lại thực trạng các sản phẩm OCOP đã được xếp hạng từ năm 2021 đến năm 2023; hướng dẫn các chủ thể sản phẩm tiềm năng có thể nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên hạng 5 sao tiêu chuẩn hoá các sản phẩm đạt Bộ tiêu chí quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

(4) Tham mưu lồng ghép thực hiện nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn vốn thực hiện chính sách trên địa bàn (như: Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hưu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 07/7/2023 của HĐND tỉnh về Quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025…) để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân nâng cao chất lượng, quy mô vùng nguyên liệu đầu vào (VietGAP/hữu cơ/..), đầu tư cơ sở hạ tầng trong sản xuất chế biến đạt các tiêu chuẩn quản lý chất lượng tiên tiến (ISO/GMP/HACCP/...) để đạt tiêu chí đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao và 5 sao,

(5) Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP đưa sản phẩm OCOP giới thiệu và bán sản phẩm tại các hội chợ, hội nghị xúc tiến thương mại tìm kiếm cơ hội hợp tác mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

(6) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ thể trong thực hiện các quy định an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của huyện.

Với sự quyết tâm vào cuộc của các phòng ban chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn, cùng sự đồng thuận của Hợp tác xã, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sản phẩm OCOP, tin tưởng rằng các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của huyện Sơn Dương sẽ đến với đông đảo người tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh, từng bước khẳng định giá trị thương hiệu sản phẩm OCOP trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường quốc tế trong thời gian tới./.

Người viết: Ngô Tuyết Nhung - Chi cục Phát triển nông thôn