Thành phố Tuyên Quang xác định mục tiêu và nhiệm vụ phát triển sản phẩm OCOP năm 2024

Thứ 5, ngày 21 tháng 3 năm 2024 - 11:10

Ngày 18/3/2024, Uỷ ban nhân dân thành phố Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2024 trên địa bàn (Kế hoạch số 58/KH-UBND), trong đó xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện hết sức cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố.


Ngày 18/3/2024, Uỷ ban nhân dân thành phố Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2024 trên địa bàn (Kế hoạch số 58/KH-UBND), trong đó xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện hết sức cụ thể nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố.

Ủy ban nhân dân thành phố Tuyên Quang đã tổ chức họp, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” thành phố Tuyên Quang năm 2023 (ngày 07/12/2023).

Cụ thể Kế hoạch số 58/KH-UBND xác định mục đích trong  thực hiện kế hoạch Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2024: Triển khai các giải pháp thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ nêu tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Duy trì, nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và thế mạnh tham gia Chương trình OCOP; thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ; góp phần tạo sản phẩm có giá trị cao, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Để tổ chức thực hiện tốt nội dung, mục tiêu kế hoạch năm 2024, yêu cầu các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, phường phải xác định thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn và phát triển các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh; căn cứ chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý tham mưu tập trung thực hiện các giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả nội dung kế hoạch đề ra. Huy động mọi nguồn lực tập trung thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; tập trung chỉ đạo, định hướng phát triển sản phẩm chủ lực, tiềm năng của từng địa phương để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của Chương trình đề ra.

Kế hoạch số 58/KH-UBND đề ra mục tiêu năm 2024 về thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn thành phố: Đánh giá lại 01 sản phẩm OCOP đã được xếp hạng 3 sao. Tiêu chuẩn hóa, tổ chức đánh giá, phân hạng 17 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên. Tiêu chuẩn hóa 01 sản phẩm được xếp hạng 4 sao lên hạng 5 sao. Đồng thời đề ra nội dung thực hiện gắn với các nhiệm vụ: (1) Nâng cao hơn nữa nhận thức cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân hiểu về ý nghĩa, giá trị của việc tham gia thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. (2) Hướng dẫn các chủ thể đăng ký tham gia đánh giá, đánh giá lại, phân hạng, nâng hạng sản phẩm OCOP. Kiểm tra, hướng dẫn chủ thể có sản phẩm tiềm năng nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, cải tiến nhãn mác, mẫu mã, bao bì... đáp ứng thị hiếu và yêu cầu của thị trường. Duy trì, mở rộng, phát triển, đảm bảo chất lượng và số lượng nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm OCOP. Khuyến khích và hỗ trợ chủ thể đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm OCOP quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ thương mại trong và ngoài thành phố. (3) Đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm OCOP và (4) Xác định nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch số 58/KH-UBND.

Cũng theo nội dung kế hoạch, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra cần tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thực hiện: (1) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về chương trình OCOP. (2) Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển bền vững các sản phẩm OCOP: Kiện toàn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố, Tổ giúp việc của Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thành phố. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, mức hỗ trợ phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP. Hướng dẫn các chủ thể về trình tự, thủ tục, hồ sơ tham gia đánh giá, đánh giá lại, phân hạng, nâng hạng sản phẩm OCOP, khuyến khích chủ thể hợp đồng với đơn vị tư vấn trong lập hồ sơ tham gia đánh giá OCOP, định hướng chủ thể nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra, cải tiến nhãn mác, mẫu mã, bao bì, đảm bảo vùng nguyên liệu đầu vào cho sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm OCOP. Hỗ trợ chi phí tư vấn lập hồ sơ đánh giá, hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP đã được công nhận theo quy định. (3) Đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm OCOP: Hướng dẫn, đôn đốc chủ thể nộp hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm OCOP. Tổ chức đánh giá một số nội dung của Hồ sơ sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá sản phẩm OCOP, bao gồm các tiêu chí sau: nguồn gốc sản phẩm/nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc/trí tuệ địa phương. Tiếp nhận hồ sơ sản phẩm, tổ chức thẩm định hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng, nâng hạng sản phẩm OCOP. Tổ chức đánh giá phân hạng, nâng hạng đối với sản phẩm tham gia đánh giá OCOP năm 2024. (4) Xúc tiến thương mại: Khuyến khích, hỗ trợ chủ thể đã được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng thế mạnh, sản phẩm tham gia đánh giá OCOP năm 2024 tham gia các Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP Tuyên Quang; giới thiệu các sản phẩm đặc sản trong và ngoài tỉnh. Tham gia giới thiệu sản phẩm OCOP của thành phố tại các hội nghị, nơi có hoạt động thương mại, giao lưu văn hóa, du lịch. Tiếp tục duy trì, phát triển các cửa hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố. (5) Về khoa học và công nghệ, đăng ký quyền sở hữu: Khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến, kết nối với thị trường tiêu thụ. Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng OCOP trên cơ sở nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP. Ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu đối với các sản phẩm OCOP. Áp dụng, ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, các hộ sản xuất sản phẩm OCOP. (6) Giải pháp về vốn: Các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh tham gia chương trình OCOP cần phát huy tốt nội lực đã có (vốn, đất đai, sức lao động, công nghệ,…); đồng thời tích cực huy động nguồn lực từ các tổ chức tín dụng; các tổ chức hợp pháp khác,… để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Cân đối, bố trí vốn từ nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và từ cơ chế, chính sách của tỉnh. Nguồn kinh phí ngân sách thành phố và huy động, lồng ghép các nguồn vốn hợp pháp khác.

Gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm đặc sản OCOP trên địa bàn thành phố Tuyên Quang

Nội dung Kế hoạch số 58/KH-UBND cũng đã phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Uỷ ban nhân dân xã, phường, căn cứ mục tiêu, nội dung và giải pháp thực hiện Kế hoạch, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn. Đồng thời đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, phường và các đơn vị liên quan tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP, gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện các chương trình, đề án, dự án, các hoạt động có liên quan đến phát triển các sản phẩm OCOP; giám sát và triển khai thực hiện việc phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố. Yêu cầu các Doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP triển khai sản xuất các sản phẩm đảm bảo chất lượng, mở rộng quy mô phát triển sản xuất, kinh doanh đáp ứng được nhu cầu của thị trường; tiêu chuẩn hóa sản phẩm như: Xây dựng nhãn hiệu và cải tiến mẫu mã, bao bì, máy móc, trang thiết bị,... Đề xuất ý tưởng, phương án sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm mới gửi Ủy ban nhân dân xã, phường tổng hợp, đánh giá, lựa chọn tham gia Chương trình OCOP theo quy định.

Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2024 trên địa bàn thành phố Tuyên Quang được ban hành, trong đó xác định mục tiêu, nội dung và giải pháp trọng tâm thực hiện, đồng thời cụ thể hóa nhiệm vụ đến từng phòng chuyên môn và các cơ quan, đơn vị liên quan, chính là cơ sở quan trọng để các xã, phường cụ thể hóa Chương trình mỗi xã một sản phẩm vào thực tiễn nông nghiệp, nông thôn đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế, cũng như tiềm năng, thế mạnh ở mỗi địa phương./.

Người viết: Trần Gia Lam - Chi cục Phát triển nông thôn