Chiêm Hoá đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025.

Thứ 5, ngày 14 tháng 3 năm 2024 - 15:58

Sau 03 năm (2021- 2023) thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang đã mang lại những kết quả tích cực trong thực hiện mục tiêu tiêu chuẩn hoá, phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP theo kế hoạch. Đến nay, toàn huyện đã có 26 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 (26/22 sản phẩm), sản phẩm OCOP đã có mặt tại 17/24 xã, thị trấn của huyện Chiêm Hoá


S

au 03 năm (2021- 2023) thực hiện kế hoạch giai đoạn 2021-2025, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang đã mang lại những kết quả tích cực trong thực hiện mục tiêu tiêu chuẩn hoá, phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP theo kế hoạch. Đến nay, toàn huyện đã có 26 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 (26/22 sản phẩm), sản phẩm OCOP đã có mặt tại 17/24 xã, thị trấn của huyện Chiêm Hoá.

Sản xuất sản phẩm OCOP 4 sao - Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá

của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Hồng Phát, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hoá

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hoá, Chương trình OCOP đã được triển khai đồng bộ, toàn diện ở tất cả các cấp, các ngành, đến cơ sở thôn và người dân thông qua việc đẩy mạnh công tác thông tin và truyền thông, gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Các cơ quan, đơn vị truyền thông của huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến về ý nghĩa, mục đích, lợi ích của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thông tin, tuyên truyền đến cán bộ, công chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất kinh doanh và người dân về các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh, của huyện; đồng thời tư vấn, hướng dẫn thực hiện mức hỗ trợ phát triển sản xuất theo chính sách, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP,… Đến nay, một số sản phẩm OCOP được tiêu thụ và đưa vào tiêu thụ tại các siêu thị, cửa hàng, đại lý ngoài tỉnh như: Sản phẩm Trà túi lọc đậu đen xanh lòng, rượu nếp cất 02 lần ông chấp, Bánh gai, thịt trâu khô Hùng Mỹ, dưa lưới Kim Bình, Gà Ri Kim Bình, măng tre Trinh, chè Nhân Sơn, chè Thôm Lòa,…

Ngoài ra, huyện cũng đã tích cực tổ chức cho các chủ thể sản phẩm OCOP tham gia các gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại nhiều những diễn đàn, hội nghị, hội thảo trong và ngoài tỉnh. Đồng thời khuyến khích, hỗ trợ chủ thể có sản phẩm OCOP đã được công nhận, hoặc có sản phẩm tiềm năng OCOP chủ động tham gia các Hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử, các cửa hàng giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; tham gia giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn nơi có hoạt động thương mại, giao lưu văn hóa, du lịch, trên các Website, trang thông tin điện tử, khai thác các trang mạng xã hội. Duy trì, phát triển các cửa hàng, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, công tác tiêu chuẩn hoá, phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Hết năm 2023, toàn huyện đã duy trì và phát triển được 26 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng, nâng hạng đạt từ 3 sao trở lên, trong đó: Từ năm 2021-2023 đến nay, có 14 sản phẩm OCOP tham gia đánh giá phân hạng lần đầu được hỗ trợ chi phí tư vấn lập hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, 02 sản phẩm đánh giá nâng hạng đạt từ 3 sao lên 4 sao. Xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP (Sản phẩm Thanh long ruột đỏ Chiêm Hoá, Dưa lưới, Gà ri, Măng tre, Thịt trâu, Chè,…) góp phần giúp cho các sản phẩm tự tin khẳng định được chất lượng; duy trì, mở rộng ứng dụng quy trình, kỹ thuật sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp thế mạnh khác trên địa bàn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Sau khi được công nhận là sản phẩm OCOP, các sản phẩm OCOP của huyện phần lớn đều được phát triển về quy mô và duy trì phát triển được chất lượng, số lượng và được người tiêu dùng đón nhận; giá bán được nâng cao so với trước thời điểm chưa được công nhận đem lai doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với thời điểm chưa tham gia OCOP.

Sản phẩm Bánh gai Chiêm Hoá được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao

Chia sẻ về kết quả 03 năm thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn, ông Đỗ Văn Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hoá cho biết: Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã làm thay đổi nhận thức của người dân, các hợp tác xã trong quan điểm, cũng như tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp. Chương trình đã lan toả mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, nâng cao thu nhập cho người dân, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của huyện. Đa số các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng đều là các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu và đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi địa phương trong huyện; được chủ thể chú trọng nâng cao chất lượng, phát triển đa dạng; hoàn thiện các thủ tục pháp lý như chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, phiếu phân tích chỉ tiêu chất lượng; xây dựng bảo hộ nhãn hiệu, bao bì, tem nhãn. Cùng với sự thành công của các chủ thể đi trước, kết hợp công tác tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo động lực mạnh mẽ cho các chủ thể mới tham gia. Chủ thể tham gia Chương trình đã quan tâm và chủ động hơn trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng, nhãn hiệu sản phẩm, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc. Nhiều sản phẩm được công nhận OCOP đã khẳng định được vị thế trên thị trường và được người tiêu dùng đón nhận như: Sản phẩm Bánh gai Chiêm Hoá, Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá, Rượu nếp cất 2 lần ông Chấp,.... Việc hỗ trợ các chủ thể thực hiện Chương trình OCOP từ nguồn kinh phí theo Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã giúp cho các chủ thể OCOP có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, cải thiện mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiếp cận thị trường. Việc được hỗ trợ để phát triển sản phẩm và kết nối mở rộng thị trường tiêu thụ đã tạo động lực khuyến khích nhiều hơn các chủ thể, các tổ chức kinh tế tiếp tục phấn đấu, từng bước hoàn thiện sản phẩm để ngày càng có nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.

Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tiêu chuẩn hoá, phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, để phấn đấu thực hiện hoàn thành mục tiêu, kế hoạch đến hết năm 2025 có ít nhất 01 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao và 100% xã, thị trấn có sản phẩm OCOP được công nhận trong giai đoạn đến năm 2025, ông Đỗ Văn Hiếu tiếp tục nhấn mạnh về một số nhiệm vụ và giải pháp đã và đang được các cấp, các ngành của huyện tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện:  

Thứ nhất là, về công tác chỉ đạo điều hành: Hằng năm xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) để triển khai thực hiện gắn với tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ tại Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm; Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 02/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Duy trì, nâng hạng và định hướng các sản phẩm chủ lực, có lợi thế và thế mạnh tham gia Chương trình OCOP; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị gắn liền với thị trường tiêu thụ, góp phần gia tăng giá trị, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thứ hai là, về công tác thông tin, tuyên truyền: Các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tích cực hơn nữa trong công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân hiểu về ý nghĩa, giá trị của việc tham gia thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng tin bài, chuyên mục, chuyên đề về Chương trình OCOP, các sản phẩm OCOP của huyện, các gương tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện Chương trình OCOP.

Sản phẩm OCOP huyên Chiêm Hoá tham gia trưng bày tại Hội chợ OCOP

tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Thứ ba là, về công tác kiểm tra, giám sát: Các cơ quan đơn vị, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện tốt khâu kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn sản phẩm của đơn vị đã được công bố.

Thứ tư là, về công tác tiêu chuẩn hoá, phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm: Khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến sâu, kết nối với thị trường tiêu thụ. Ưu tiên công tác phát triển, đăng ký xác lập, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các sản phẩm OCOP. Áp dụng, ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, các hộ sản xuất sản phẩm OCOP.

Thứ năm là, về thực hiện kế hoạch tiêu chuẩn hoá sản phẩm OCOP 5 sao: Tiếp tục tuyên truyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện để các cơ sở thực hiện đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.

Thứ sáu là, về xúc tiến thương mại: Khuyến khích, hỗ trợ các chủ thể đã được công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm tiềm năng thế mạnh tham gia các Hội chợ Xúc tiến thương mại nông nghiệp, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP Tuyên Quang; giới thiệu các sản phẩm đặc sản trong và ngoài tỉnh. Tham gia giới thiệu sản phẩm OCOP của huyện tại các hội nghị, hội thảo, diễn đang nơi có hoạt động thương mại, giao lưu văn hóa, du lịch.

Với kết quả sau 03 năm thực hiện hoàn thành mục tiêu về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận từ 03 sao trở lên và sản phẩm OCOP đã được công nhận ở 17/24 xã, thị trấn của huyện. Chúng ta tin tưởng rằng, cùng với sự vào cuộc quyết tâm của các cấp, các ngành huyện Chiêm Hóa và doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ gia đình thì mục tiêu có ít nhất 01 sản phẩm được đánh giá, phân hạng đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao và 100% xã, thị trấn có sản phẩm OCOP được công nhận trong giai đoạn đến năm 2025 sẽ được đảm bảo thực hiện, góp phần quan trọng để thực hiện hoàn thành mục tiêu Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025./.

Người viết: Trần Gia Lam - Chi cục Phát triển nông thôn