Sơn Dương phát huy tiềm năng xây dựng sản phẩm OCOP

Thứ 5, ngày 14 tháng 3 năm 2024 - 15:43

Những năm qua, Sơn Dương là huyện có số lượng lớn sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, đến nay Chương trình OCOP đã trở thành phong trào sâu rộng và đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, sáng tạo nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được cấp uỷ, chính quyền huyện triển khai quyết liệt, tạo sức bật lớn trong phát triển sản xuất nông nghiệp ở các xã.


Với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP để nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn, bảo tồn các giá trị văn hóa, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững. Cùng với những chính sách, chương trình, đề án về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, huyện Sơn Dương đã tổ chức thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh; tập trung đẩy mạnh áp dụng tiến bộ, quy trình sản xuất an toàn, sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), sản xuất chuyển đổi hữu cơ, hữu cơ, nông nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với lựa chọn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có lợi thế, tiềm năng của huyện để tăng giá trị sản xuất sản phẩm nông nghiệp.

Thực tế cho thấy, để sản phẩm OCOP tồn tại và phát triển cần phải đảm bảo các yếu tố: Chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm; phát triển các điểm bán hàng và quảng bá, liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, tạo hệ thống phân phối hiệu quả, giá cả cạnh tranh đối với các sản phẩm tương đồng trên thị trường, bên cạnh đó, yếu tố thương hiệu, chỉ dẫn địa lý tạo ra sản phẩm đặc trưng, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh là then chốt.

Việc xây dựng thương hiệu là một quá trình lâu dài, nhằm tạo lòng tin cho khách hàng và định vị trên thị trường. Khi đã có một thương hiệu đủ lớn mạnh, doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh, phát triển, mở rộng kinh doanh vượt bật so với các đối thủ.

Để giúp cho các chủ thể duy trì và phát triển thương hiệu, huyện Sơn Dương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, tầm quan trọng trong việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm OCOP. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về xây dựng, quản trị và phát triển nhãn hiệu, bao bì sản phẩm nhằm giúp các chủ thể OCOP chủ động trong việc nâng cao chất lượng, cải tiến nhãn hiệu, bao bì để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách của tỉnh trong việc hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, nhất là sản phẩm đặc sản, chủ lực của địa phương nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường. Đến nay, huyện Sơn Dương có 49 sản phẩm OCOP, trong đó có 12 sản phẩm 4 sao và 37 sản phẩm 3 sao của 31/31 xã, thị trấn. Tuy nhiên, trong số các sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao, huyện chưa có sản phẩm tiềm năng 5 sao. Đây cũng chính là “bài toán” để các chủ thể duy trì và nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP đã được công nhận để thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP.

HTX sản xuất tinh bột sắn dây thị trấn Sơn Dương là một điển hình của huyện trong việc thực hiện Chương trình OCOP. Người dân ở đây đã trồng sắn dây từ hơn 30 năm nay, trong đó ông Tống Văn Châu là một trong những người có diện tích trồng sắn dây nhiều nhất tại Tổ dân phố Măng Ngọt, thị trấn Sơn Dương. Ông Châu cho biết: Trước đây ông chỉ trồng 10 đến 15 gốc chủ yếu để phục vụ nhu cầu của gia đình. Nhận thấy trồng sắn dây chi phí đầu tư thấp, ít tốn công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế cao, ông đã mạnh dạn chuyển đổi đất vườn đồi trồng cây ăn quả sang trồng sắn dây. Ông còn đầu tư hệ thống máy móc để tinh chế sản phẩm. Nhờ vậy, thu nhập mỗi vụ đạt từ 50 đến 70 triệu đồng. Năm 2017, được sự qun tâm của cấp uỷ chính quyền, ông Châu cùng với một số thành viên tham gia mô hình trồng sắn dây thành lập Hợp tác xã sản xuất tinh bột sắn dây thị trấn Sơn Dương do ông làm Giám đốc. Với cách làm sáng tạo, bài bản, mỗi năm doanh thu của Hợp tác xã lên tới hơn 1 tỷ đồng. Ông Châu phấn khởi chia sẻ thêm: Từ khi được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, thị trường tiêu thụ và giá trị sản phẩm bột sắn dây của Hợp tác xã được cải thiện đáng kể.

Ông Tống Văn Châu (áo đen ngoài cùng bên trái), Giám đốc Hợp tác xã sản xuất tinh bột sắn dây thị trấn Sơn Dương giới thiệu về quy trình sản xuất bột sắn dây

Hợp tác xã nông lâm nghiệp Sơn Thịnh, xã Tú Thịnh cũng là một trong những Hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Sơn Dương. HTX này có 02 sản phẩm được gắn sao OCOP là Tinh dầu hương nhu (3 sao) và Bánh khảo Sơn Thuỷ (4 sao). Đây là động lực để HTX mở rộng quy mô liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện HTX đang liên kết mở rộng diện tích trồng hương nhu và đang triển khai sản xuất tinh dầu cây mùi đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Không ngừng nâng tầm chất lượng, số lượng các sản phẩm OCOP, huyện Sơn Dương có kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, từng bước phát triển các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh ở địa bàn các xã, thị trấn của huyện. Phấn đấu đến hết năm 2025, 100% số xã có sản phẩm OCOP được sếp hạng từ 3 sao trở lên, các sản phẩm được liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, có ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, quảng bá, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử; tăng cường gắn kết 6 nhà trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hướng phát triển bền vững. Tin tưởng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của người dân, huyện Sơn Dương sẽ thực hiện thành công Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” theo kế hoạch đã đề ra./.

Người viết: Nguyễn Văn Hiệp - Chi cục Phát triển nông thôn