Chiêm Hoá xác định mục tiêu thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP năm 2024

Thứ 7, ngày 4 tháng 5 năm 2024 - 10:15

Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Chiêm Hoá, ngày 23/4/2024, Uỷ ban nhân dân huyện Chiêm Hoá đã ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2024 trên địa bàn (Kế hoạch số 121/KH-UBND).


Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Chiêm Hoá, ngày 23/4/2024, Uỷ ban nhân dân huyện Chiêm Hoá đã ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) năm 2024 trên địa bàn (Kế hoạch số 121/KH-UBND).

Sản phẩm OCOP của huyện Chiêm Hoá tham gia Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Nội dung Kế hoạch số 121/KH-UBND xác định mục đích thực hiện kế hoạch Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2024: Phát triển sản phẩm OCOP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, đa dạng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm nông sản sau thu hoạch, chế biến; phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn huyện theo chuỗi giá trị; gắn sản xuất, chế biến với thị trường tiêu thụ sản phẩm; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho Nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại giúp đẩy nhanh quá trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm tiếp cận thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân về vai trò và tầm quan trọng của Chương trình OCOP đối với phát triển kinh tế khu vực nông thôn.

Đồng thời đặt ra yêu cầu trong quá trình tổ chức thực hiện: Huy động tối đa mọi nguồn lực tập trung thực hiện Chương trình; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động tham mưu, đề xuất, hướng dẫn các doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất tham gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình. Định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng; xây dựng nhãn hiệu, bao bì cho các sản phẩm tham gia Chương trình, phát triển các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và định hướng xuất khẩu sản phẩm có tiềm năng.

Theo nội dung Kế hoạch số 121/KH-UBND, Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Chiêm Hoá năm 2024 đặt ra mục tiêu: Trên cơ sở số lượng sản phẩm đăng ký ban đầu, tiếp tục thực hiện rà soát bổ sung sản phẩm đảm bảo phát huy hết tiềm năng, thế mạnh về nguyên liệu địa phương, giá trị văn hoá, giá trị của kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Hỗ trợ, khuyến khích hộ sản xuất, tổ chức kinh tế trong việc hình thành, phát triển các ý tưởng sáng tạo trong sản xuất, chế biến, tạo ra các sản phẩm OCOP từ các sản phẩm ban đầu được đăng ký; vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách hiện có hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm, hoàn thiện hồ sơ làm cơ sở đánh giá và đề nghị xếp hạng sản phẩm theo quy định; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân vùng nông thôn (đặc biệt tại các điểm thăm quan, khu du lịch), thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, bảo tồn giá trị văn hoá, cảnh quan môi trường nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Huyện đã xác định mục tiêu cụ thể về tổ chức thực hiện Chương trình OCOP trong năm 2024 là: (1) Duy trì, phát triển có hiệu quả, chất lượng 26 sản phẩm được công nhận xếp hạng sản phẩm OCOP (07 sản phẩm 4 sao, 19 sản phẩm 3 sao). (2) Đánh giá, phân hạng lại 06 sản phẩm OCOP được đánh gia, phân hạng, nâng hạng năm 2021 (Chè Nhân Sơn, Thịt trâu khô Tiến Quang, Cá lăng Yên Lập, Thịt trâu khô Hùng Mỹ, Thịt trâu Hùng Mỹ, Cam sành Trung Hà). (3) Hỗ trợ tiêu chuẩn hoá để tham gia đánh giá phân hạng lần đầu cho 11 sản phẩm gồm thuộc nhóm thực phẩm (Bánh giày ngũ sắc, xã Xuân Quang; Măng nứa Bà Cúc và Tôm rang sông Gâm, thị trấn Vĩnh Lộc; Thịt Lươn Yên Nguyên, xã Yên Nguyên; ốc nhồi gác bếp, xã Vinh Quang; Trà hoà tan cà gai leo và Trà túi lọc nấm linh chi, xã Kim Bình; Lạc nhân Tân Mỹ, xã Tân Mỹ; măng ớt Bà Thế, xã Hoà Phú; Mắm cá ruộng Trung Hà, xã Trung Hà; Thịt Dê Kiên Đài, xã Kiên Đài). (4) Thực hiện đánh giá nâng hạng cho 02 sản phẩm gồm: Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá, xã Kim Bình nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao; Chè Thôm loà, xã Tân An đánh giá nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao.

Cũng theo nội dung kế hoạch, để đảm bảo hoàn thành mục tiêu 2024 đã đề ra, các cấp, các ngành của huyện Chiêm Hoá cần tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nội dung triển khai thực hiện đã xác định.

Thứ nhất là, về tổ chức đánh giá, phân hạng, nâng hạng và đánh giá lại các sản phẩm OCOP trong năm 2024: (1) Đối với các chủ thể sản phẩm OCOP năm 2024: Xây dựng phiếu đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm; xây dựng Báo cáo tự đánh giá về sản phẩm; hoàn thiện, sắp xếp hồ sơ minh chứng của sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm, gồm: Sản phẩm và sức mạnh cộng đồng (tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sức mạnh cộng đồng); khả năng tiếp thị (tiếp thị, câu chuyện sản phẩm); chất lượng sản phẩm (chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, tính độc đáo của sản phẩm, công bố chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm, hướng dẫn sử dụng để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất cho người tiêu dùng, cơ hội thị trường toàn cầu); hoàn thiện hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP tại cấp xã, thị trấn và cấp huyện do chủ thể sản phẩm OCOP chuẩn bị. (2) Đối với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn: Phân công cán bộ phụ trách triển khai Chương trình OCOP cấp xã; tổ chức họp với các bộ phận liên quan để lấy ý kiến về các nội dung đánh giá (nguồn gốc sản phẩm; nguyên liệu địa phương; sử dụng lao động địa phương; nguồn gốc ý tưởng sản phẩm; bản sắc/trí tuệ địa phương; tổ chức phân phối sản phẩm; khu vực phân phối chính của sản phẩm; đại diện pháp luật của chủ thể là nữ/đồng bào dân tộc thiểu số; tăng trưởng sản xuất kinh doanh; gia tăng giá trị). (3) Đối với cấp huyện: Kiện toàn Tổ giúp việc để giúp việc cho Hội đồng OCOP cấp huyện thẩm định hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm: Đợt 1 thực hiện trong tháng 10/2024 đối với các sản phẩm đánh giá, phân hạng lần đầu và đợt 2 thực hiện trong tháng 11/2024 đối với các sản phẩm đánh giá, nâng hạng, phân hạng lại.

 Thứ hai là, phối hợp với các Sở, ban, ngành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý cấp huyện, cấp xã về công tác quản lý, điều hành nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và năng lực thực hiện Chương trình OCOP. Tăng cường tuyên truyền nội dung, giới thiệu về Chương trình OCOP rộng rãi trên địa bàn thông qua các phương tiện thông tin truyền thông, báo, đài phát thanh, mạng xã hội. Hướng dẫn cho các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP đẩy mạnh hoạt động sản xuất liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; thực hiện các quy trình sản xuất tiên tiến, đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển ổn định, bền vững; đào tạo, tập huấn về kỹ năng xúc tiến thương mại và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Thứ ba là, tiêu chuẩn hóa sản phẩm: Hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, đăng ký chất lượng cho các sản phẩm theo chính sách của trung ương, của tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn các cơ sở sản xuất sản phẩm nông lâm, thủy sản thực hiện hoạt động kiểm soát chất lượng sản phẩm theo chuỗi từ khâu sản xuất đến sơ chế, phân loại, bảo quản sau thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt là các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP đã được phân hạng tiếp tục quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam.

Thứ tư là, hoàn thiện hồ sơ thực hiện đánh giá, xếp loại: Hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (11 sản phẩm đánh giá phân hạng lần đầu) theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; hướng dẫn các chủ thể sản xuất (doanh nghiệp, tổ hợp tác, Hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh,…) bổ sung các tài liệu minh chứng, thực hiện đầy đủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và các biện pháp để truy xuất nguồn gốc, các quy định về bảo vệ môi trường, củng cố bộ máy tổ chức, hỗ trợ các chủ thể tham gia sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị. Hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng lại 06 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh phê duyệt kết quả đánh giá, xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2021 (đến thời hạn 36 tháng).

Gian hàng giới thiệu một số sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP huyện Chiêm Hoá tại Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề  - Tuyên Quang năm 2024 (diễn ra từ ngày 25/4/2024 - 01/5/2024)

Thứ năm là, về xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh sản phẩm: Tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP bằng nhiều hình thức, nhất là hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP. Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua việc sử dụng các sàn thương mại điện tử trong việc giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm (như: Postmart-VNPost, Viettelpost; mạng internet, các ứng dụng bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), Website công nghệ...); đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương. Triển khai các hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại như: Tham gia các hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng, phát triển các điểm quảng bá, giới thiệu, liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP, gắn với các hoạt động văn hóa, du lịch có lợi thế, ưu tiên sử dụng sản phẩm OCOP làm quà tặng. Đẩy mạnh việc xây dựng, kết nối các Chương trình, tour tuyến du lịch để đưa du khách đến thăm quan, mua sắm tại khu quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP, các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm OCOP, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn trong và ngoài huyện và trải nghiệm thực tế các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP tại các địa phương. Thông qua đó, góp phần kết nối cung cầu giữa các chủ thể có sản phẩm OCOP với các trung tâm thương mại và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; Hỗ trợ các doanh nghiệp, các Hợp tác xã, các tổ hợp tác đưa các sản phẩm OCOP giới thiệu trên các sàn giao dịch nông sản một số tỉnh, thành phố lớn, hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP của huyện.

Về nguồn kinh phí thực hiện kế hoạch, được xác định từ nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn ngân sách tỉnh hỗ trợ thông qua các cơ chế, chính sách và huy động nguồn vốn đối ứng của các chủ thể tham gia Chương trình.

Cùng với đó, nội dung Kế hoạch số 121/KH-UBND cũng đã phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn, căn cứ mục đích, yêu cầu, mục tiêu, nội dung triển khai thực hiện Kế hoạch, chủ động triển khai thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tiễn của của cơ quan, đơn vị và địa phương mình. Đồng thời đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các tổ chức chính trị - xã hội huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc huyện tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP đến các tổ chức hội cơ sở để vận động các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia thực hiện các nội dung của Kế hoạch và các hoạt động có liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn.

Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm năm 2024 trên địa bàn huyện Chiêm Hoá được ban hành, là giải pháp quan trọng để các cấp, các ngành của huyện triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm quyết liệt, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, khơi dậy tiềm năng, lợi thế ở mỗi địa phương./.

 

Hết năm 2023, huyện Chiêm Hoá có 26 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó:

(1) Có 07 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao; 19 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao;

(2) Có 11 sản phẩm được cấp chứng nhận nhãn hiệu trong tổng số 26 sản phẩm OCOP được công nhận.

(3) Sản phẩm OCOP đã được công nhận ở 17/24 xã, thị trấn, đạt 75% mục tiêu kế hoạch có 100% xã, thị trấn có sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

 

Người viết: Trần Gia Lam - Chi cục Phát triển nông thôn