Hợp tác xã nông lâm nghiệp Duy Vượng duy trì và phát triển sản phẩm OCOP

Thứ 2, ngày 23 tháng 9 năm 2024 - 09:58

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng tầm sản phẩm đặc sản vùng miền ở các địa phương. Tại huyện Lâm Bình, nhiều chính sách hỗ trợ xây dựng và phát triển các sản phẩm chủ lực, tiềm năng thế mạnh của địa phương được triển khai hiệu quả. Từ đó, đưa nông sản của địa phương trở thành hàng hóa có giá trị, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.


Hợp tác xã nông lâm nghiệp Duy Vượng (HTX Duy Vượng), thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang được thành lập từ năm 2021, từ khi thành lập đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho các thành viên, cùng nhau liên kết chăn nuôi Lợn đen bản địa theo quy trình đảm bảo an toàn, nhằm cung ứng nguyên liệu chế biến sản phẩm thịt chua lợn đen, góp phần đa dạng các món ăn đặc sản truyền thống của địa phương, phục vụ thực khách du lịch, cũng như người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Trải qua thời gian xây dựng phát triển, đến cuối năm 2021, sản phẩm thịt chua lợn đen được chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Không dừng lại ở đó, HTX Duy Vượng tiếp tục sơ chế sản phẩm da trâu khô là món ăn đặc sản của địa phương và tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022 và đã được công nhận đạt hạng 3 sao. Sản lượng hàng năm trên 2.000 kg đối với thịt chua lợn đen; trên 1.200 kg đối với da trâu khô.

Sản phẩm OCOP 3 sao của HTX

Có được những kết quả trên là sự ghi nhận những nỗ lực vươn lên trong sản xuất kinh doanh của HTX để nâng cao giá trị nông sản, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương trong tỉnh và ngoài tỉnh, với mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng và sản lượng phục vụ người tiêu dùng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng,…

Chương trình OCOP đã và đang trở thành động lực để phát triển kinh tế ở huyện Lâm Bình, tạo liên kết theo chuỗi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, làm thay đổi tư duy sản xuất, thúc đẩy nông dân đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra những sản phẩm đa dạng, phong phú nâng tầm giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng nông thôn bền vững.

Sản phẩm Thịt chua và sản phẩm OCOP huyện Lâm Bình tại Hội chợ Trưng bày,

giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề tỉnh Tuyên Quang năm 2023.

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã trở thành một phong trào sản xuất có sức lan tỏa mạnh mẽ tại huyện Lâm Bình, chương trình đã từng bước đưa các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương này trở thành các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Là địa phương có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, huyện đã tạo điều kiện về cơ chế, chính sách thúc đẩy các HTX trên địa bàn chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô, gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân, việc tuyên truyền, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho chủ thể tham gia Chương trình OCOP đã được huyện đẩy mạnh, đồng thời, huy động nguồn lực, đổi mới hình thức sản xuất và tăng cường quản lý chất lượng cũng như thúc đẩy quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm trước đây chỉ được tiêu thụ tại địa phương nay đã có mặt ở các hệ thống siêu thị và sàn thương mại điện tử, điều này, đã mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất vừa góp phần tiêu thụ sản phẩm, vừa giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân.

Bà Vi Thị Duy, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Duy Vượng

giới thiệu về sản phẩm OCOP của HTX

Theo bà Vi Thị Duy, Giám đốc Hợp tác xã nông lâm nghiệp Duy Vượng, để có món thịt chua ngon và mang mùi vị đặc trưng, rất kỳ công. Trong quá trình sơ chế sản phẩm, cần lựa chọn thịt ba chỉ từ những giống lợn đen nuôi tại địa phương của các thành viên HTX. Thịt qua sơ chế, được tẩm ướp với các gia vị (Giềng, gừng, lá cơm đỏ, muối, thính gạo,…) trước khi sử dụng có thể hấp hoặc xào. Qua chế biến, thịt có vị thơm của giềng, vị giòn sần sật của bì lợn, vị béo của thịt nhưng ăn không ngậy, vị bùi của thính gạo hoà với vị chua thanh của men thịt, cùng vị chát của một số gia vị tẩm ướp, khi thưởng thức món thịt chưa, sẽ cảm nhận được một hương vị đặc trưng, rất khó quyên; còn với sản phẩm da trâu khô, từ bộ da trâu vốn trước đây chỉ để làm vật dụng trong gia đình, nay lại có thể chế biến món ăn, mà ăn rất ngon. Khi mổ trâu được bảo quản da trâu khô bằng cách để nguyên bộ da đã làm sạch lông, dàn đều lên giàn bếp hun khói hoặc sấy. Khi sơ chế bằng nhiều công đoạn để cho da mềm và được thái miếng, đóng gói, hút chân không trước khi đến tay người tiêu dùng để dễ bảo quản, chế biến thành món ăn. Cách chế biến món da trâu xào cùng măng chua cũng không quá kỳ công. Trước hết, lấy những miếng da trâu đã được thái lát mỏng ngâm với nước ấm cho mềm. Sau đó xào da trâu cho đến khi nếm thử thấy mềm, dai dai và giòn sần sật thì nêm chút gia vị rồi cho ra đĩa. Tiếp đến, xào măng chua cho chín, sau đó cho da trâu đã xào chín vào đảo đều. Khi hai món đã quyện vào nhau thì cho một lượng tỏi là hoàn thiện món ăn bổ dưỡng này.

Bên cạnh việc chú trọng phát triển nguyên liệu để sơ chế sản phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn chất lượng, không ngừng nghiên cứu tạo ra sản phẩm độc đáo hơn từ thịt lợn đen và da trâu khô trong thời gian tới. Hợp tác xã cũng rất năng động trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đã tích cực tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ thương mại OCOP, các hội nghị kết nối giao thương các sản phẩm đặc sản vùng miền, quảng bá và bán hàng qua zalo, facebook,…

Từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, HTX đã tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho các thành viên HTX, góp phần tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình liên kết chăn nuôi, yên tâm tiếp tục tăng quy mô đàn đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào cho sơ chế sản phẩm. Những thành quả đạt được đã có tác động quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng sản xuất hàng hoá, thúc đẩy chế biến sâu, gắn với đẩy mạnh các hình thức hoạt động dịch vụ, phát triển kinh doanh thương mại.

Với phương châm mỗi một sản phẩm ra đời là sự tâm huyết, tìm tòi, nghiên cứu của HTX và các thành viên, từ đó mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khoẻ. Bà Vi Thị Duy nhấn mạnh, thời gian tới HTX tiếp tục thực hiện xây dựng và củng cố bộ máy nhân sự hoàn chỉnh, tinh gọn đủ năng lực phát triển thương hiệu, phát triển sản phẩm, mở rộng mạng lưới bán hàng. Xác định mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, gia tăng sản lượng sản phẩm, tăng cường chế biến sâu và tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm mới (từ thịt lợn đen và da trâu). Đồng thời, HTX sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, tiếp tục đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, nhằm mở ra nhiều hơn nữa những cơ hội để sản phẩm đến với người tiêu dùng, phục vụ khách tham quan, du lịch,… Phấn đấu xây dựng Hợp tác xã nông lâm nghiệp Duy Vượng thành nhà chế biến thịt chua và da trâu lớn trong tỉnh, hoạt động hiệu quả hơn, quy mô sản xuất được mở rộng. Không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống và gia tăng thu nhập cho người dân và người lao động. Chính vì vậy, HTX đã đề ra chiến lược phát triển sản phẩm trong thời gian tiếp theo: (1) Đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất theo chuỗi từ khâu cung cấp nguyên liệu (thịt) đến bao tiêu sản phẩm (với các đại lý, nhà phân phối). (2) Đẩy mạnh liên kết với các viện, cơ sở nghiên cứu để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Phát triển đa dạng hóa các sản phẩm thịt với nhiều mẫu mã, tính năng, mức giá khác nhau. (3) Xây dựng đội ngũ lao động lành nghề, đội ngũ cán bộ quản lý năng động, chuyên nghiệp. (4) Đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, nâng cao mức độ tự động hóa.

Với sự quyết tâm, năng động, sáng tạo của các thành viên Hợp tác xã nông lâm nghiệp Duy Vượng đã xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm (thịt chua lợn đen và da trâu khô) được nhiều người tiêu dùng địa phương và khách du lịch trong cả nước tin tưởng và đón nhận./. 

Người viết: Vi Thế Truyền - Chi cục Phát triển nông thôn