“Van bố quá nựa pết/Siết bố quá pả nà (Ngon không gì hơn thịt vịt/Yêu thương nhau không ai hơn chị em gái), người Tày quan niệm, vịt là con vật may mắn thế nên từ ngày xưa chúng tôi chọn cách ăn thịt vịt trong nhiều dịp lễ tết quan trọng để mong những điều an lành, hạnh phúc. Là người con của bản Tày, khát vọng đưa thương hiệu vịt bầu quê nhà vươn xa đã thôi thúc tôi mỗi ngày…”. Chị Nông Thị Lịch, Giám đốc Hợp tác xã vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên) chia sẻ.
Từ thức quà quý ngày lễ tết…
Là cô gái Tày sinh ra và lớn lên ở thôn Đồng Cỏm, xã Bình Xa (Hàm Yên), chị Nông Thị Lịch am hiểu văn hóa bản sắc người Tày quê mình. Chị bảo, với người Tày nơi đây, vịt là một trong những con vật thiêng, được người Tày quý trọng, được lựa chọn làm làm quà biếu ngày lễ Tết. Đặc biệt vào rằm tháng Bảy - lễ “Pây Tái”, con gái và con rể người Tày thường đem lễ về thăm và biếu nhà ngoại đôi vịt béo để thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, hiếu thuận đối với cha mẹ.
Từ xa xưa, vịt bầu Minh Hương nổi tiếng khắp vùng. Đây là giống vịt bản địa, được nuôi thả tự nhiên từ nguồn nước suối của cánh rừng đặc dụng Cham Chu. Vịt tròn lẳn, chỉ uống nước suối, ăn thức ăn từ núi rừng, cho chất lượng thịt thơm ngon khiến người ta nhớ mãi khi đã được thưởng thức. Do đó, dân bản khắp vùng cứ vào dịp lễ Tết thường tìm mua giống vịt ngon này để làm mâm cỗ, quà biếu tặng. Nhưng không phải hộ nào cũng có thể tìm mua được vì số lượng vịt bầu Minh Hương trong dân rất hạn chế. Mỗi nhà chỉ nuôi vài ba con, tự sản tự tiêu là chính. “Vậy là, ý tưởng trở thành một hộ dân chuyên nuôi, nhân giống, bảo tồn loài vịt quý này bắt nguồn từ đó!”. Chị Lịch vui vẻ cho biết thêm.
Chị Nông Thị Lịch, Giám đốc Hợp tác xã Vịt Minh Hương (bên trái) giới thiệu về sản phẩm vịt Minh Hương.
“Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, các cụ nói quả không sai. Cái khó khăn đầu tiên chị vấp phải đó là ban đầu giống vịt này khá hiếm. Chưa kể nhiều hộ thấy mỗi con vịt trưởng thành khi xuất bán chỉ nặng khoảng 2 kg, được coi là nhỏ hơn so với các loại vịt khác. Bởi thế, đã có những thời điểm người dân ở đây đã lai giống để tạo ra những con vịt to hơn, nhiều thịt hơn, khiến cho loại vịt này có lúc chỉ còn lại vài đàn thưa thớt, nguy cơ tuyệt chủng.
Không đành lòng với điều đó, chị Lịch đứng lên vận động các hộ dân cùng chăn nuôi, nhân giống, giữ gìn nguồn gen quý từ giống vịt đặc biệt này. Bản thân chị hàng ngày vào từng bản làng, thu mua mỗi nhà một ít, mua vịt to, vịt con, ấp trứng để nhân giống. Tích tiểu thành đại, chị Lịch có đàn vịt trên 200 con. Nhờ đó mà giống vịt bầu Minh Hương vẫn bảo tồn được giống truyền thống, không bị lai tạo với các giống vịt của địa phương khác.
Thế nhưng “cú ngã” đầu tiên đã đến khi có hàng trăm con vịt giống chết la liệt sau khi tiêm phòng cúm gia cầm. Chị kể lại, do chưa có kinh nghiệm tiêm phòng, mới chỉ học qua vài lớp tập huấn, chị đã chủ động tiêm mà không để ý nhiệt độ thuốc khiến đàn vịt giống “ra đi” hàng loạt. “Của đau con xót”, lúc đó chị hoang mang vô cùng, chị tìm đến nhiều lớp tập huấn hơn, tìm hiểu kiến thức chăn nuôi qua sách báo, nắm vững đầy đủ kiến thức để tiếp tục đi vào “cuộc chiến” mới và những dự định mới.
… Đến thương hiệu ẩm thực tiêu biểu Việt Nam
Có được nền tảng kiến thức vững chãi, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, năm 2018, chị Lịch quyết định thành lập và đảm nhận vị trí Giám đốc Hợp tác xã Vịt bầu Minh Hương. Đây là dấu ấn quan trọng cho việc nâng tầm thương hiệu nông sản địa phương. Các thành viên tham gia đều là những người nông dân ở 2 xã Bình Xa, Minh Hương. Họ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi cũ và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật như lựa chọn giống, thực hiện ấp nở bằng máy ấp nở trứng gia cầm tự động, chú trọng công tác thú y.
Đúng là “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”, nhờ có sự hỗ trợ kiến thức, kinh nghiệm đó, chị Lịch rút ra được nhiều điều để phát triển đại trà giống vịt quý này. Chị bảo, giống vịt này nhạy cảm, có linh cảm đặc biệt, hễ người lạ vào là sợ bỏ ăn ngay. Nếu bắt một con là cả đàn ủ rũ, nhịn ăn vài ngày nên khi bán một là bán hết lượt hoặc phải nhốt riêng số lượng bán sang khu chuồng cách xa nhau để chúng không nhìn thấy. Hay kinh nghiệm: đối với vịt đẻ thì chỉ nuôi trong khuôn viên, không thả suối vì dễ bị động làm dập trứng còn vịt thương phẩm được thả ra suối. Loại này nuôi đến tháng thứ 4 thì đầu mới xanh và bắt đầu ăn khỏe nên trên 5 tháng mới có thể xuất bán, trung bình mỗi con nặng từ 1,9 kg đến 2,2 kg/con, giá bán trên 150 đồng/kg.
Vịt bầu Minh Hương từng bước hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung với những sản phẩm có chất lượng.
Vận động người dân nuôi nhiều vịt bầu đã khó, nhưng đến khi nhiều hộ nuôi với số lượng lớn thì trong cái khó lại “ló” cái... khó hơn! Đó là vấn đề tiêu thụ sản phẩm đảm bảo đầu ra ổn định. Chị Lịch cùng các thành viên khác chủ động mày mò “gõ cửa” chào hàng tại các nhà hàng, cửa hàng, hội chợ ở TP Tuyên Quang, các xã, thị trấn. Đồng thời thực hiện liên kết chăn nuôi, thu mua sơ chế và tiêu thụ hết sản phẩm cho người dân trên địa bàn. Vịt bầu Minh Hương từng bước hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung với những sản phẩm có chất lượng. Đặc biệt năm 2020, vịt bầu Minh Hương đã được chứng nhận đạt 3 sao OCOP và được bạn hàng từ các thị trường Hà Nội, Phú Thọ đón nhận. Có những thời điểm Hợp tác xã xuất bán được 3.000 đến 4.000 nghìn con.
Gia đình anh Triệu Văn Hòa, thôn 13 Minh Quang, xã Minh Hương nuôi vịt bầu Minh Hương. Anh là thành viên của Hợp tác xã. Anh cho biết, hiện nay, toàn trang trại của anh có 300 con. Trung bình mỗi tháng, anh xuất bán 2 lứa, ngoài các nhà hàng tại Tuyên Quang, vịt của anh đã đến được các nhà hàng ở Phú Thọ, Hưng Yên. Từ nuôi vịt, mỗi năm anh lãi khoảng hơn 100 triệu đồng.
Thương hiệu vịt bầu Minh Hương ngày càng lan tỏa, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) đã tổ chức Lễ trao chứng nhận ẩm thực tiêu biểu Việt Nam giai đoạn I - 2022. Trong đó, vịt bầu Minh Hương được vinh danh trong hành trình tìm kiếm giá trị văn hóa ẩm thực tiêu biểu Việt Nam thuộc Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, giai đoạn 2022 - 2024”.
Hiện nay Hợp tác xã có 7 thành viên, đồng thời liên kết các hộ dân chăn nuôi ở xã Minh Hương, Bình Xa, Phù Lưu… hình thành chuỗi “từ chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm” nhằm đưa đặc sản này tiếp cận nhiều thị trường hơn. Bên cạnh phát triển thương hiệu vịt bầu, Hợp tác xã còn liên kết thu mua gạo Minh Hương để tìm đầu ra cho bà con trên địa bàn xã.
Hành trình từ cô nông dân người Tày đến nữ giám đốc hợp tác xã năng động, nhanh nhẹn của chị Nông Thị Lịch đã góp phần đưa thương hiệu nông sản của quê hương vươn xa. Nói về dự định và ước muốn của mình, chị chia sẻ: “Chị mong muốn có thêm nhân lực trẻ cùng đồng hành tìm cách quảng bá, bán hàng trong thời đại công nghệ số, để thương hiệu vịt bầu Minh Hương ngày càng nhiều người biết đến. Đồng thời, chị ấp ủ tạo ra sản phẩm từ vịt bầu sấy khô để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Người sưu tầm: Tô Hưng Khánh/Phòng Kinh tế hợp tác và Hành chính - Tổng hợp
Nguồn: Giang Lam; baotuyenquang