“Bức tranh kinh tế tập thể” nói chung, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nói riêng có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, mặt bằng chung, hoạt động của các HTX trong lĩnh vực này vẫn còn yếu, chưa tương xứng với tiềm năng và chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhiều nhưng chưa mạnh
Tỉnh hiện có 602 HTX, trong đó có 458 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, HTX phi nông nghiệp 144, với số lượng thành viên HTX là 12.759 thành viên. Các HTX nông, lâm nghiệp đã giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, góp phần vào ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hoạt động của các HTX tác động không nhỏ vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ vật tư đầu vào, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Từ đó, thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, khắc phục được tình trạng sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phân tán trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm. Bước đầu, đã có HTX tham gia xuất khẩu sản phẩm. Có 104 HTX có sản phẩm OCOP với 147 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên (trong tổng số 191 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 77%), có 77 HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 195 HTX nông nghiệp, chiếm gần 70% số lượng HTX của tỉnh. Doanh thu bình quân khoảng 1,035 tỷ đồng/HTX/năm; lợi nhuận bình quân sau thuế khoảng 250 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX khoảng 40 triệu đồng/người/năm; số lượng thành viên là 3.091 thành viên.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh và lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát nhu cầu vay vốn của HTX.
Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND tỉnh, mặc dù có tăng về số lượng và có những chuyển biến về chất lượng, song sự phát triển của các HTX, nhất là các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng và yêu cầu của sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường. Quy mô của HTX nhỏ, hầu hết HTX nông nghiệp đều thiếu vốn kinh doanh, giá trị tài sản thấp và khó tiếp cận tín dụng. Mức độ tham gia của các HTX nông nghiệp vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn ở mức thấp; số lượng hợp tác xã có ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, tham gia chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ là những hoạt động quan trọng để HTX thu hút thành viên, tạo giá trị giá tăng cho thành viên và HTX và đảm bảo sự phát triển bền vững của HTX nông nghiệp. Một số HTX nông nghiệp được thành lập, nhưng không xuất phát từ nhu cầu, mong muốn của hộ nông dân. Vì vậy, các thành viên còn thiếu sự gắn bó, hợp tác, liên kết và không tích cực tham gia vào hoạt động của HTX dẫn đến HTX hoạt động cầm chừng hoặc chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cao Hùng Dũng cho rằng, nguyên nhân các HTX hoạt động chưa hiệu quả như kỳ vọng là do trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ cán bộ chủ chốt trong HTX hạn chế. Từ đó dẫn đến các HTX còn gặp nhiều lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh. Cơ sở vật chất của các HTX nghèo nàn, máy móc thiết bị cũ, trình độ công nghệ lạc hậu, sản xuất thủ công là phổ biến. Nhiều HTX thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Nhận thức của cán bộ quản lý HTX và xã viên về HTX chưa đầy đủ. Các HTX còn bị ảnh hưởng, ràng buộc nhiều từ khuôn khổ chính sách; chậm chuyển đổi loại hình sản xuất kinh doanh cho phù hợp với điều kiện mới.
Cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị
Những năm qua, tỉnh đã ban hành các cơ chế chính sách, trong đó khuyến khích phát triển HTX nông nghiệp như HTX thành lập mới có tổ chức sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị được hỗ trợ mua máy vi tính và trang thiết bị văn phòng; hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các HTX vay vốn để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng và quản lý nhãn hiệu; hỗ trợ đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn; hỗ trợ HTX tham gia Chương trình OCOP và xúc tiến thương mại; sản xuất hữu cơ; thực hiện các dự án liên kết sản xuất...
Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật HTX, cũng như vai trò của HTX trong xây dựng nông thôn mới cho cán bộ, thành viên HTX và cho người dân hiểu. Đồng thời, tạo điều kiện và khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động của HTX nông nghiệp, đẩy mạnh tổ chức liên kết với các doanh nghiệp xây dựng thành chuỗi giá trị, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông nghiệp của người dân làm ra.
Tuy nhiên kinh tế tập thể, kinh tế HTX vẫn còn nhiều khó khăn. Ông Cao Hùng Dũng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh cho biết: “Một số cấp ủy, địa phương vẫn chưa hiểu hết tầm quan trọng của kinh tế tập thể, HTX đối với sự phát triển kinh tế, xã hội. Một HTX hoạt động hiệu quả có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn, vừa tạo thu nhập, việc làm cho người dân, vừa tạo ra sản xuất hàng hóa cho địa phương, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất nông lâm nghiệp... Vì vậy, phát triển kinh tế tập thể, HTX đúng hướng sẽ là đòn bẩy để phát triển. Để phát triển kinh tế HTX mạnh hơn thì cần sự quan tâm hơn nữa của các ngành, chính quyền các địa phương trong việc tạo điều kiện, giúp đỡ các HTX về vốn, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đất đai...
Để phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tập thể, trên cơ sở Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16-6-2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang khóa XVII đã ban hành Chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết này. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 có trên 300 tổ hợp tác; trên 600 HTX với trên 13.000 thành viên. Trong đó có trên 50 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát việc phát triển HTX; đặc biệt quan tâm hỗ trợ HTX liên kết, hợp tác với HTX, doanh nghiệp; tích cực đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ HTX; hỗ trợ HTX mở rộng về quy mô, vốn, ngành nghề; xây dựng mô hình mới, HTX điển hình tiên tiến, HTX ứng dụng công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực...
Từ những kết quả đạt được của các HTX và sự nỗ lực từ Liên minh HTX tỉnh, sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, kỳ vọng kinh tế tập thể, kinh tế HTX sẽ lớn mạnh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Người sưu tầm: Tô Hưng Khánh/Phòng Kinh tế hợp tác và Hành chính - Tổng hợp
Nguồn: Trang Tâm; baotuyenquang.