Xác định đúng thế mạnh, đặc trưng của mình, xã Nhân Mục (Hàm Yên) đang thực hiện xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao, sản xuất sạch gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) khá hiệu quả, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho nông nghiệp địa phương và giúp phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị nông sản.
Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch
Với lợi thế thiên nhiên ưu đãi, có những cánh đồng bằng phẳng, người dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa, vì vậy xã Nhân Mục xác định lúa, gạo là một trong những cây trồng chủ lực, được ưu tiên phát triển. Từ năm 2022, xã Nhân Mục đã lựa chọn và đề ra kế hoạch xây dựng, phát triển sản phẩm gạo trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Gạo Nhân Mục chất lượng cao được triển khai trên mô hình “Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch”.
Để thực hiện mục tiêu, xã Nhân Mục tiến hành quy hoạch vùng sản xuất, lựa chọn thôn Đồng Tàn làm mô hình điểm phát triển gạo chất lượng cao.
Từ tháng 2-2024, mô hình sản xuất gạo chất lượng cao được triển khai trên “Đồng ruộng sạch, sản xuất sạch” tại thôn Đồng Tàn với diện tích gần 2 ha, đến nay mô hình sản xuất đã mang lại hiệu quả rõ nét và được mở rộng lên 4 ha.
Đến thôn Đồng Tàn, xã Nhân Mục giờ đây không khỏi bất ngờ trước những cánh đồng có quy mô lớn, cảnh quan sạch, đẹp được người dân chủ động xây dựng các bể chứa rác thải nông nghiệp và các điểm thu gom rác lưu động.
Ông Trương Quang Vinh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Đồng Tàn, xã Nhân Mục đồng thời là một trong những người tham gia mô hình chia sẻ: “Sau khi thực hiện mô hình này, bà con đã nâng cao ý thức, bảo vệ cánh đồng lúa sạch hơn, bỏ rác thải nông nghiệp đúng nơi quy định. Đặc biệt, trong quy trình sản xuất cần phải thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ các chế phẩm sinh học hoặc phân bón hữu cơ. Dùng phương pháp này không chỉ sản xuất lúa sạch mà còn bảo vệ môi trường, không còn tình trạng vỏ chai thuốc hóa học tràn lan, bừa bãi như trước, gạo được sản xuất sạch an toàn cho sức khỏe”.
Phát triển sản phẩm OCOP
Quá trình sản xuất gắn với việc không sử dụng thuốc trừ cỏ, không sử dụng chất kích thích, tăng trưởng trong sản xuất, không vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, túi nilon, rác thải ra môi trường, sử dụng các chế phẩm sinh học trong sản xuất để bảo vệ môi trường đồng ruộng và sức khỏe người dùng nên mô hình nhận được sự ủng hộ tích cực. Xã Nhân Mục lồng ghép xây dựng thương hiệu gạo chất lượng cao đồng thời hỗ trợ giống lúa TĐ25 cho bà con thực hiện trên mô hình sản xuất sạch.
Sản phẩm gạo Nhân Mục sản xuất sạch, an toàn cho sức khỏe có hạt chắc, cơm mềm và thơm nhẹ.
Bà Lương Thị Lành, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Tàn cũng là người tham gia sản xuất giống lúa TĐ25 nhận xét: “Sau khi được hướng dẫn kỹ thuật và cung ứng giống, gia đình tôi đã bắt tay vào sản xuất lúa TĐ25 trên mô hình sản xuất sạch. Đây là giống lúa có chiều cao trung bình 110 - 115cm, bộ lá xanh đậm, bông to, ít nhiễm đạo ôn, khô vằn. Tỷ lệ hạt chắc cao, gạo trong, cơm mềm và thơm nhẹ. TĐ25 có thể gieo trồng được cả 2 vụ/năm. Năng suất ước đạt từ 2,5 - 3 tạ/sào. Trước đây chỉ bán được giá 15.000-16.000 đồng/kg, từ khi sản xuất gạo sạch, chất lượng cao giá bán được từ 18.000-20.000 đồng/kg, thậm chí bán được giá cao hơn nữa”.
Ông Nguyễn Hà Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nhân Mục cho biết: “Gạo Nhân Mục được được đăng ký nhãn hiệu vào tháng 10/2023, sản phẩm được sản xuất theo quy trình an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn, đạt chất lượng. Sản phẩm đang được đề xuất đưa ra hội đồng thẩm định của huyện đánh giá đạt chuẩn OCOP 3 sao, phấn đấu đến cuối năm 2024, thương hiệu gạo Nhân Mục đạt sản phẩm OCOP 3 sao”.
Thời gian tới, địa phương tiếp tục đồng hành với người dân nâng cao chất lượng. Đồng thời, khuyến khích mở rộng diện tích, mô hình liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, tích cực tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia tập huấn, nâng cao năng lực xây dựng, triển khai phương án sản xuất, kinh doanh.
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đã và đang được các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai và được các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ. Đây được đánh giá là chương trình sẽ tạo sức bật cho các xã thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.
Người sưu tầm: Tô Hưng Khánh/Phòng Kinh tế hợp tác và Hành chính - Tổng hợp.
Nguồn: Mai Dung; baotuyenquang.