Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa rộng, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm của Tuyên Quang

Thứ 5, ngày 11 tháng 7 năm 2024 - 15:47

- Chương trình OCOP tại Tuyên Quang đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, của chủ thể về tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xác định rõ vai trò của liên kết sản xuất. Đồng thời, Chương trình phát huy hiệu quả sức mạnh cộng đồng, trí tuệ bản sắc địa phương để tạo ra nguồn sản phẩm phong phú hơn, bảo đảm về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương. Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa rộng, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.


Phóng viên: Thưa ông Nguyễn Xuân Hùng, ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến thời điểm này? Nguồn lực hỗ trợ cho Chương trình OCOP của địa phương đã được huy động và phân bổ ra sao?

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang: Để triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã tham mưu cho Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025. Sở cũng đồng thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 90/KH-UBND về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có hơn 230 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; 138/138 xã phường thị trấn đều có sản phẩm OCOP từ hạng 3 sao trở lên còn huyện lực; mỗi huyện/thành phố có ít nhất 1 sản phẩm OCOP hạng 5 sao.

Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh có hơn 230 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên; 138/138 xã phường thị trấn đều có sản phẩm OCOP từ hạng 3 sao trở lên còn huyện lực; mỗi huyện/thành phố có ít nhất 1 sản phẩm OCOP hạng 5 sao.

Sau 3 năm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, đến nay, toàn tỉnh có 240 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Con số này đã giúp đạt 104,3% mục tiêu đề ra trong Kế hoạch 90/KH-UBND, trong đó: 201 sản phẩm đạt hạng 3 sao, có 38 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, của 179 chủ thể, trong đó: 133 hợp tác xã, 12 doanh nghiệp, 6 tổ hợp tác và 28 hộ kinh doanh trên địa bàn 121/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt 87% kế hoạch. Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 có tổng số 21 chính sách, trong đó có các chính sách hỗ trợ tác động trực tiếp đến thực hiện Chương trình OCOP. Đó là: Hỗ trợ lãi suất tiền vay vốn để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ chi phí tư vấn cho các chủ thể sản phẩm lập hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; hỗ trợ sản phẩm được công nhận, xếp hạng sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; Hỗ trợ điểm giới thiệu, bán các sản phẩm, gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm; Hỗ trợ kinh phí xây dựng và quản lý nhãn hiệu (bao gồm cả thiết kế và in bao bì cho sản phẩm hàng hóa) và cấp mã số, mã vạch (bao gồm cả thiết kế và in tem truy xuất nguồn gốc); Hỗ trợ đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn…

 

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới đã được triển khai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: ĐỨC THẮNG)

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngân sách nhà nước đã hỗ trợ các nội dung chính sách nêu trên khoảng 20 tỷ đồng.

Nguồn kinh phí hỗ trợ chủ yếu là từ nguồn sự nghiệp kinh tế từ ngân sách tỉnh và nguồn vốn sự nghiệp từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Việc phân bổ kinh phí thực hiện cùng kỳ với việc xây dựng dự toán ngân sách hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và quy định phân bổ vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phóng viên: Vậy so với Chương trình OCOP của giai đoạn trước, địa phương đã đạt được những kết quả khả quan hơn như thế nào? Những bài học kinh nghiệm nào đã được rút ra trong thực hiện chương trình OCOP thời gian qua, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Hùng: Khi kết thúc giai đoạn 2018-2020, tỉnh Tuyên Quang chỉ có 79 sản phẩm. Còn tới nay, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh tiếp tục duy trì và phát triển số lượng 240 sản phẩm, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Có thể nói rằng, Chương trình OCOP đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người dân, của chủ thể về tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xác định rõ vai trò của liên kết sản xuất, phát huy hiệu quả sức mạnh cộng đồng, trí tuệ bản sắc địa phương để tạo ra nguồn sản phẩm phong phú hơn, bảo đảm về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa rộng, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.

Chương trình OCOP góp phần tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương. (Ảnh: ĐỨC THẮNG)

Kết quả cho thấy, sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm sau.

Một là, Phải có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, thể hiện bằng việc ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Chính quyền các cấp phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết từng năm, thường xuyên kiểm điểm tiến độ thực hiện và hằng năm có đánh giá tổng kết để rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện.

Hai là, Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp huyện, xã, phường, thị trấn về những quy định chuyên môn thuộc lĩnh vực ngành, đơn vị quản lý theo 6 nhóm sản phẩm tham gia chương trình OCOP “nhất là về an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa, môi trường” để trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đánh giá phân hạng, nâng hạng, đánh giá lại sản phẩm OCOP kịp thời, đúng quy định đạt hiệu quả tại cơ sở.

Ba là, Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trong lĩnh vực chuyên môn quản lý, nhất là những quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn từ vùng nguyên liệu (VietGAP, hữu cơ...) đến cơ sở sản xuất chế biến đóng gói bảo quản sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.

Bốn là, Tổ chức tốt Chương trình sẽ làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, góp phần quan trọng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chương trình OCOP đã tạo nên những chuyển biến căn bản, tích cực như sự nhận thức của người dân và tổ chức kinh tế đã được nâng lên đặc biệt là ở vùng nông thôn trong việc thay đổi tập quán sản xuất cũ, nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, nay bắt đầu người dân đã dần từng bước được tiếp cận với phương thức sản xuất mới theo chuỗi liên kết và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm đồng thời gắn sản xuất với công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị quảng bá sản phẩm.

Phóng viên: Thời gian qua, Tuyên Quang đã nhiều giải pháp tích cực để đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, góp phần lan tỏa rộng rãi giá trị của sản phẩm? Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan đã có những giải pháp nào để kết nối, tạo liên kết chuỗi sản phẩm, hỗ trợ về đầu ra cho các chủ thể?

Ông Nguyễn Xuân Hùng: Trong những năm qua, các đơn vị truyền thông trên địa bàn đã tích cực đưa các thông tin tuyên truyền về quảng bá, xúc tiến tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Các cấp, các ngành của tỉnh Tuyên Quang đã thường xuyên quan tâm hỗ trợ, tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP để tuyên truyền, vận động các tổ chức tham gia hoặc hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất đưa sản phẩm OCOP giới thiệu và bán tại các hội chợ, trên các sàn giao dịch điện tử, trưng bày sản phẩm tại các hội nghị, hội thảo gắn với các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối tiêu thụ sản phẩm trong hệ thống phân phối sản phẩm OCOP trên toàn quốc.

Hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng cường quảng bá, giới thiệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang trong những năm qua tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tham quan các gian hàng tại Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023. (Ảnh: http://thanhpho.tuyenquang.gov.vn)

Cụ thể như, chúng tôi đã tổ chức 2 Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2022, năm 2023 và Hội chợ Thương mại - Du lịch Tuyên Quang 2023 với sự tham gia của các đơn vị, tổ chức, cá nhân và các chủ thể OCOP trong tỉnh và các tỉnh bạn như: Cao Bằng, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Sơn La…

Cùng với đó là Hội thảo về giải pháp phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn trong thúc đẩy kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới khu vực miền núi phía Bắc.

Đồng thời, tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại và các nhà cung cấp sản phẩm chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang; Hội nghị kết nối cung cầu - tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc trưng tỉnh Tuyên Quang năm 2023; tham gia Hội nghị kết nối giao thương giữa Nhà cung cấp khu vực Đông Bắc với các doanh nghiệp xuất khẩu, tổ chức xúc tiến thương mại; Hội thảo chè Shan tuyết Hà Giang tại Hà Giang.

Đặc biệt, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 được tổ chức vào tháng 12/2023, đã có nhiều doanh nghiệp, đơn vị phân phối và tiêu thụ sản phẩm OCOP ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã thực hiện ký kết hợp đồng hợp tác tiêu thụ sản phẩm với một số hợp tác xã, cơ sở sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai thực hiện ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm tại Hội nghị đã mở ra cơ hội mới và triển vọng để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, tìm kiếm cơ hội hợp tác mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm góp phần hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp, nông sản, sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang đến khắp các tỉnh thành trong cả nước và hướng tới xuất khẩu. Cùng với đó, việc hỗ trợ kết nối các hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP với Chi nhánh Bưu chính Viettel Tuyên Quang; Bưu điện tỉnh Tuyên Quang; trên trang thông tin điện tử, Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang và các sàn giao dịch thương mại điện tử khác như postmart.vn, voso.vn, santmdttuyenquang.gov.vn và phát hành ấn phẩm sản phẩm OCOP Tuyên Quang,… cũng được đặc biệt quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Đây cũng là điểm mới trong phát triển thị trường tiêu thụ, góp phần tiêu thụ sản phẩm OCOP nói riêng và sản phẩm nông, lâm, thủy sản nói chung trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP cũng tạo được bước phát triển mới, đến nay toàn tỉnh có trên 20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh. Cụ thể như, huyện Sơn Dương 2 điểm, huyện Hàm Yên 1 điểm, Chiêm Hóa 3 điểm, huyện Na Hang 4 điểm và thành phố Tuyên Quang 8 điểm; huyện Yên Sơn 1 điểm; Lâm Bình 1 điểm.

Phóng viên: Một trong những vấn đề người dân và doanh nghiệp quan tâm là chính sách hỗ trợ cụ thể cho Chương trình OCOP ở các địa phương. Ông có thể cho biết rõ hơn về vấn đề này trong điều kiện của tỉnh hiện nay?

Ông Nguyễn Xuân Hùng: Hiện nay, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành một số chính sách hỗ trợ có liên quan đến thực hiện Chương trình OCOP. Có thể kể tới Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025 được Hội đồng nhân dân tỉnh với 21 chính sách, trong đó các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể tham gia OCOP về chi phí tư vấn cho chủ thể sản phẩm OCOP; Hỗ trợ sản phẩm OCOP (đạt sao); Hỗ trợ điểm giới thiệu, bán các sản phẩm OCOP; hỗ trợ về xây dựng và quản lý nhãn hiệu; cấp mã số, mã vạch (bao bì sản phẩm, tem truy xuất); đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn (ISO, VietGap…). Ngoài ra, còn có các chính sách quy định tại Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 7/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 1/8/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang,...

Phóng viên: Trong thời gian tới, mục tiêu đặt ra của tỉnh Tuyên Quang về định hướng phát triển các sản phẩm OCOP như thế nào? Từ những bất cập gì trong thực tế, ông có kiến nghị và đề xuất gì?

Ông Nguyễn Xuân Hùng: Trong giai đoạn 2024-2025, ngành nông nghiệp tỉnh nhà sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở ban ngành, Ủy ban nhân dân các cấp đưa Chương trình OCOP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị để chỉ đạo thực hiện và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm đưa ra các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ và đạt được các mục tiêu về thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Phấn đấu đến hết năm 2025, duy trì số sản phẩm đã công nhận phân hạng sản phẩm OCOP; 138/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên; tiếp tục hỗ trợ phát triển, nâng cấp sản phẩm, mỗi huyện, thành phố đều có ít nhất 1 sản phẩm hạng 5 sao. Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Với chức năng nhiệm vụ là cơ quan Thường trực Chương trình OCOP cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất một số giải pháp cần tập trung thực hiện trong năm 2024-2025 như sau:

Thứ nhất là về công tác chỉ đạo điều hành.

Tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp đưa Chương trình OCOP vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, đơn vị để chỉ đạo thực hiện và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm đưa ra các giải pháp thực hiện tốt nhiệm vụ và đạt được các mục tiêu đề ra tại Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 2/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Thứ hai là chú trọng công tác tuyên truyền.

Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp về Chương trình OCOP, lồng ghép các chương trình công tác, lĩnh vực ngành, đơn vị tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng bằng nhiều hình thức để người dân và các chủ thể biết về lợi ích trong việc tham gia Chương trình OCOP.

Tăng cường công tác hướng dẫn các chủ thể sản phẩm tổ chức sản xuất tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về điều kiện an toàn trong sản xuất, chế biến thực phẩm; quy định bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định; phát huy tốt sức mạnh cộng đồng, phát huy những giá trị tiềm năng, lợi thế vùng miền trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, bảo đảm về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba là thực hiện tiêu chuẩn hóa, phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách sách hỗ trợ của tỉnh tại các văn bản, như: Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 7/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy định về mức hỗ trợ thực hiện dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025…

Hướng dẫn các chủ thể sản phẩm OCOP tổ chức sản xuất phải gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị, đồng thời sản phẩm OCOP phải được chuẩn hóa và phát triển theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất của từng địa phương và yêu cầu thị trường và thực hiện tốt các hoạt động kiểm soát chất lượng sản phẩm theo chuỗi từ khâu sản xuất vùng nguyên liệu đến sơ chế, phân loại, bảo quản sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gắn liền với truy suất nguồn gốc sản phẩm.

Tập trung rà soát, hướng dẫn các chủ thể sản phẩm OCOP đã được chứng nhận sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2022 tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo Bộ tiêu chí và quy định đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ để khi tham gia đánh giá lại vẫn giữ được thứ hạng sao.

Đồng thời, rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết lựa chọn lộ trình ưu tiên các sản phẩm tiềm năng đạt thứ hạng sao, lồng ghép các chương trình, chính sách tập trung hỗ trợ đạt tiêu chí sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, chú trọng nâng hạng sản phẩm 4 sao và 5 sao và Tăng cường quản lý chặt chẽ việc in bao bì sử dụng nhãn hiệu OCOP theo đúng quy định tại Quyết định số 1162/QĐ-VPĐP-OCOP ngày 17/9/2020 của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương về quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam.

Thứ tư là tập trung thực hiện các dự án thí điểm sản phẩm OCOP và kế hoạch tiêu chuẩn hóa sản phẩm OCOP 5 sao và mô hình thí điểm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025.

Các huyện, thành phố cần tập trung triển khai thực hiện các dự án thí điểm sản phẩm OCOP và hỗ trợ phát triển nâng cấp sản phẩm, đặc biệt chú trọng tiêu chuẩn hoá sản phẩm đạt hạng 5 sao: Ưu tiên các hoạt động, nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách của tỉnh hoặc các dự án phát triển sản xuất bằng nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện mô hình điểm về phát triển sản phẩm OCOP, mô hình thí điểm về hợp tác xã kiểu mới và các cơ sở chủ thể đăng ký sản phẩm đánh giá phân hạng 5 sao.

Thứ năm là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Các cấp, các ngành theo chức năng nhiệm vụ từng đơn vị cần tăng cường kiểm tra thực tế một số cơ sở có sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng và sản phẩm đã xếp hạng về việc tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, sử dụng và in nhãn hiệu, thứ hạng trên bao bì đối với các sản phẩm đã được xếp hạng sản phẩm OCOP.

Công tác triển khai, tổ chức thực hiện, hỗ trợ tiêu chuẩn hoá, hướng dẫn lập hồ sơ đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất (chủ thể) có sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng, nâng hạng, đánh giá lại sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các chủ thể trong thực hiện các quy định an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Thứ sáu là đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại

Cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các website của tỉnh, các sở, ban, ngành; trên trang ocop.snntuyenquang.gov.vn, Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang và quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook...; thực hiện chương trình cung cấp thông tin thương mại đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất, nhất là địa bàn nông thôn.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng, các chủ thể sản phẩm là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP cũng cần chủ động, mạnh dạn đầu tư dây chuyền thiết bị tiên tiến, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, chế biến sản phẩm cũng như kinh phí để tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm được tổ chức trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố trong cả nước; tham gia chuỗi thương mại điện tử sản phẩm OCOP, giới thiệu sản phẩm trên trang thương mại điện tử website: ketnoiocop.vn, postmart.vn, voso.vn, santmdttuyenquang.gov.vn… nhằm tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm.

Người sưu tầm: Lê Thị Hương Dung/Phòng Kinh tế hợp tác và Hành chính – Tổng hợp

Nguồn: https://nhandan.vn/