Lần đầu tiên một sản phẩm ô mai của tỉnh Bắc Giang đạt OCOP 3 sao có mặt trên thị trường, đó là gì?

Thứ 5, ngày 26 tháng 10 năm 2023 - 09:42

Đợt 1 năm 2023, Bắc Giang có thêm 50 sản phẩm đạt chuẩn OCOP được đánh giá phân hạng. Đặc biệt, có 1 sản phẩm OCOP 3 sao lần đầu tiên có mặt trên thị trường đó là ô mai vải của HTX nông nghiệp Bằng Thủy.


Ô mai vải - Lần đầu tiên có mặt trên thị trường

Chia sẻ về sản phẩm ô mai vải, bà Tạ Thị Thủy, Giám đốc HTX nông nghiệp Bằng Thủy (Giáp Sơn, Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết: Lục Ngạn nổi tiếng cả nước với đặc sản vải thiều mà không vùng đất nào có được. Quả vải nơi đây to hơn và có hương vị đặc trưng hạt nhỏ, cùi dày, ngọt sắc và giàu chất dinh dưỡng.

Vải thiều Bắc Giang chứa rất nhiều dinh dưỡng nhất là vitamin C, một ly nước vải có tới 136 mg vitamin C. Đặc biệt chất vitamin C trong quả vải chống oxy hóa cao hơn chanh. Ngoài ra, mỗi quả vải còn cung cấp polyphenol cùng các chất dinh dưỡng khác (sắt, kali, đồng, mangan) là những thành phần quan trọng trong quá trình sản xuất và lưu thông máu.

Ô mai vải, sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Bắc Giang lần đầu xuất hiện trên thị trường

Trong quả vải thiều có chất flavonoid và chất chống oxy hoá giúp bảo vệ khỏi các loại ung thư khác nhau cũng như các bệnh thoái hóa. Vải thiều cung cấp một nguồn chất xơ và Vitamin B là chất tăng cường sự trao đổi chất.

Vì vậy quả vải Lục Ngạn không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia và nhiều quốc gia khác.

Tuy nhiên, với đặc điểm vải thiều tập trung chín rộ trong một, hai tháng là hết mùa. Vì vậy, để lưu giữ trọn hương vị vải thiều trong cả năm, HTX nông nghiệp Bằng Thủy đã nghiên cứu và cho ra đời 3 sản phẩm Ô mai vải xào me, Ô mai vải xào gừng, Ô mai vải xào quất. Các sản phẩm đã được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao của tỉnh Bắc Giang" Bà Thủy cho biết thêm.

Để có sản phẩm ô mai vải chất lượng tới tay người dùng

Chia sẻ với báo chí, bà Thủy cho hay: "Để có được sản phẩm ô mai vải chất lượng cao đến với người tiêu dùng, HTX nông nghiệp Bằng Thủy rất chú trọng đến vấn đề nguyên liệu đầu vào. Phải là những quả vải được trồng trên vùng đất Lục Ngạn, Bắc Giang, quả to, tròn đều, mọng nước và hạt nhỏ, không bị sâu, giập… sau đó kết hợp với vị chua của quả me, quất - chanh và vị cay của gừng để tạo lên sự hài hòa giữa chua – cay – ngọt nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị của vải thiều Bắc Giang".

Nguyên liệu để làm Ô mai vải phải là những quả vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang tươi, tròn đều, không bị sâu, dập

Giám đốc HTX nông nghiệp Bằng Thủy cho biết thêm: Để ra một sản phẩm ô mai vải, cần phải trải qua quy trình 7 bước. Đầu tiên, vải tươi sau khi thu hoạch về được sấy khô, tách vỏ, rửa sạch, trộn ướp cùng loại nước cốt từ gừng, me, chanh-quất và các loại gia vị đường, muối theo công thức. Sau đó đem đun nhỏ lửa cho đến khi các nguyên liệu quyện đều với nhau, để nguội và cho vào máy sấy.

Đặc biệt, các bước chế biến đều phải tuân thủ quy trình nghiêm ngặt và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thành phẩm ô mai vải khi ra lò có trạng thái dạng rắn, màu vàng cánh gián, vị chua ngọt và có mùi thơm của vải và me, quất, ngừng.

Mặc dù mới là năm đầu tiên đưa vào sản xuất nhưng sản phẩm ô mai vải HTX nông nghiệp Bằng Thủy đã được UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây cũng là đơn vị đầu tiên trên cả nước cung cấp sản phẩm ô mai vải.

Tỉnh Bắc Giang phấn đấu, hết năm 2025, có ít nhất 310 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 1-2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia. Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị, OCOP gắn với vùng nguyên liệu; 50% làng nghề, làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống..

"Hiện nay, các sản phẩm ô mai vải gồm: Ô mai vải xào me, Ô mai vải xào gừng, Ô mai vải xào quất của HTX nông nghiệp Bằng Thủy được thị trường rất ưa thích, có mặt ở khắp các tỉnh thành cả nước và tiêu thụ nhiều nhất là Nghệ An, Hà Nội, Ninh Bình.... Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng để hướng tới xuất khẩu" Bà Thủy chia sẻ.

Hiện tỉnh Bắc Giang có 253 sản phẩm OCOP, trong đó có 33 sản phẩm 4 sao, 220 sản phẩm 3 sao, thuộc tốp đầu các tỉnh có số sản phẩm OCOP trên cả nước. Các sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang phần lớn là các sản phẩm mang đặc trưng rất riêng của địa phương như: mỳ Chũ; mỳ Châu Sơn; rượu Vân; bún Đa Ma; gà đồi Yên Thế; vải thiều Lục Ngạn; vải sớm Phúc Hòa; vú sữa Hợp Đức, mật ong Tây Yên Tử, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo…

Vải thiều Bắc Giang được giới thiệu, bày bán tại trung tâm thương mại Centralworld (Bangkok, Thái

Các sản phẩm sau khi được xếp hạng đạt chuẩn OCOP phát triển tốt, có chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã sản phẩm; có trên 60% chủ thể OCOP có doanh thu tăng bình quân trên 15%/năm. Một số sản phẩm OCOP thế mạnh của tỉnh có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn và đã có hoạt động xuất khẩu trực tiếp.

Đáng chú ý, Bắc Giang là một trong 5 tỉnh đi đầu cả nước về phê duyệt đề án và triển khai thực hiện Chương trình OCOP một cách bài bản, có hệ thống, từ việc bố trí bộ máy quản lý chỉ đạo, tổ chức thực hiện, ban hành và vận dụng các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực, đến hướng dẫn quy trình triển khai, tư vấn sản phẩm, xúc tiến thương mại…

Từ khi đi vào hoạt động, Chương trình OCOP tỉnh Bắc Giang đã hỗ trợ cho trên 150 lượt HTX, doanh nghiệp với khoảng 450 lượt sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu đặc trưng tham gia 10 hội chợ, triển lãm, diễn đàn, sự kiện kết nối cung cầu. Đến nay, đã có trên 80% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, các kênh phân phối khác.

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Bắc Giang đã và đang khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần tác động mạnh mẽ đến phát triển khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Người sưu tầm: Nguyễn Văn Hiệp/Phòng Kinh tế hợp tác và Hành chính - Tổng hợp

Nguồn:baodanviet