Giám đốc người Dao đưa đặc sản vào siêu thị

Thứ 4, ngày 4 tháng 9 năm 2024 - 09:36

Đam mê nghề chè, yêu cây chè quê hương, Giám đốc Hợp tác xã chè Tân Thái 168 Bàn Văn Dương, người Dao đã đưa thành công sản phẩm chè búp khô, đặc sản mảnh đất Tân Thành (Hàm Yên) vào hệ thống siêu thị từ Bắc vào Nam.


Làm “thương hiệu” cho sản phẩm chè

Hợp tác xã (HTX) chè Tân Thái 168 có 2 cơ sở sản xuất, chế biến ở thôn 5 Làng Bát và thôn 2 Tân Yên, xã Tân Thành (Hàm Yên) đã có mặt trên thị trường 11 năm qua. Ông Bàn Văn Dương chia sẻ: “ngày ấy đi khắp các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên gom chè búp khô cung cấp vào các tỉnh miền Trung. Mẻ thì gom được chè ngon, mẻ lại không ngon nên lỗ vốn. Đến nhiều vùng làm chè nổi tiếng, mình cũng tò mò xem, rồi học cách chế biến, học cách nhận biết chè ngon…  rồi nảy ra ý định về quê “lập nghiệp” với vùng chè Tân Thành quê mình. Ngày ấy, chè Tân Thành vốn nổi tiếng thơm ngon, đậm vị, chỉ chưa có thương hiệu riêng nên người tiêu dùng các tỉnh chưa biết”.

Chân dung ông Bàn Văn Dương

Khát vọng có sản phẩm chè mang thương hiệu riêng ngày càng lớn, đó là động lực để ông Dương thành lập HTX chè Tân Thái 168 ra đời năm 2023. Đây cũng là hợp tác xã sản xuất, chế biến chè đầu tiên của xã Tân Thành. Để có sản phẩm chè búp xanh tươi, ngon, đảm bảo chất lượng, ông Dương đã chủ động thay đổi tư duy canh tác cây chè cho người dân bằng việc làm việc với các tổ hợp tác sản xuất chè, tự đứng ra mở các lớp tập huấn về sản xuất chè an toàn cho người dân, đồng thời cung ứng các loại phân bón, chế phẩm sinh học vừa đúng tiêu chuẩn VietGAP, vừa giữ được hương chè cho người trồng chè địa phương theo hình thức “trả chậm bằng sản phẩm” mà không lấy lãi. Theo tính toán, mỗi năm số tiền ông cho người dân khoảng trên 100 triệu đồng. Đây chính là lý do, sản phẩm chè của HTX chè Tân Thái 168 không bị mất thị trường do có hương vị ổn định, chất lượng ngày càng cao. Năm 2017, chè  của HTX chè Tân Thái 168 được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh dán tem truy xuất nguồn gốc. Đó chính là “giấy thông hành” để sản phẩm chè xanh Tân Thái 168 vào hệ thống siêu thị tại các tỉnh khu vực miền Trung. Ngay năm ấy, HTX xuất bán ra thị trường 40 tấn chè khô, đánh dấu sự ra nhập thị trường của “thương hiệu” chè xanh Tân Thái 168.

Ông Ninh Văn Tuyên, tổ phó tổ chè VietGAP thôn 5 Làng Bát cho hay: Khi mới tham gia cung ứng nguyên liệu cho HTX Chè Tân Thái 168, tổ chỉ có 19 thành viên với diện tích chè 5 ha. Nhưng nay đã là 30 thành viên với trên 16 ha. Mỗi năm các thành viên trong tổ hợp tác có nhu cầu sử dụng trên 40 tấn phân bón, chế phẩm sinh học. Các thành viên cần giúp về phân theo hình thức trả chậm đều được HTX hỗ trợ.     

Chè Tân Thái 168 không chỉ bán tốt ở khu vực miền Trung mà nay đã có mặt ở các siêu thị của Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu và cả miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng. Giá bán đã tăng gấp 3 lần giai đoạn 2018, hiện HTX cung cấp 8 sản phẩm với 3 phân khúc chính là hàng bình dân với giá bán dưới 200 nghìn đồng/kg; sản phẩm tầm trung với giá bán từ 220 - 350 nghìn đồng/kg; sản phẩm cao cấp khoảng 600 nghìn đồng/kg. Các sản phẩm chè xanh đạt 3 sao OCOP. Hiện sản phẩm chè Tân Thái 168 đã có bao bì, nhãn mác đẹp, chất lượng ngon phù hợp làm quà biếu. Giám đốc HTX Bàn Văn Dương phấn khởi bảo: Đây là tiền đề để HTX phát triển sản phẩm chè Tân Thái 168 đạt 5 sao OCOP với mục tiêu cung cấp cho thị trường người tiêu dùng đặc sản riêng có của quê hương Hàm Yên - Tuyên Quang. 

 Ông Bàn Văn Dương (bên phải) Giám đốc HTX Chè Tân Thái 168 giới thiệu giống chè Long Vân.

Nâng cao chất lượng cây chè

Nhiều năm nay, cây chè trên đất Tân Thành (Hàm Yên) được người Dao, người Kinh thâm canh hiệu quả nhờ có Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Bàn Văn Dương. Chị  Lý Thị Thu, thôn Tân Yên 1, xã Tân Thành vừa nhanh tay hái những búp chè non mơn mởn, vừa cười bảo: “Nhà có 3 sào chè, nhiều năm là nguồn thu nhập chính. Tất cả nhờ bác Dương mới có đấy! Cả chục năm nay thu nhập ổn định, mỗi năm trừ chi phí cũng được khoảng 50 triệu đồng. Đối với người dân chúng tôi là quý lắm!”.

Giới thiệu với chúng tôi những đồi chè Tân Thành, ông Dương chia sẻ: Chè Làng Bát có tiếng nhiều năm do thổ nhưỡng phù hợp, thiên nhiên ưu ái. Mấy năm nay, người dân đưa các giống chè chất lượng vào trồng… cộng thêm chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ, chất lượng chè búp tươi lại càng tốt hơn. Vì vậy sản phẩm chè xanh của HTX cũng đã nâng lên tầm cao mới. Nếu trước đây HTX chỉ sản xuất được chè phân khúc tầm trung thì giờ đã có sản phẩm cao cấp, có giá bán đến 600 triệu đồng/kg, được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

Dừng chân ở vườn chè hơn 2 năm tuổi, ông Dương giới thiệu: Đây là giống chè Long Vân sản xuất chè xanh phân khúc cao cấp. HTX trồng để hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm chè xanh Tân Thái 168 đạt 5 sao OCOP trong thời gian tới. Giống chè Long Vân có chất lượng rất tốt, đậm đà, vị hậu ngọt kéo dài, được đánh giá là một trong những giống chè ngon và đậm nhất hiện nay. Ưu điểm của giống chè này là uống không xót ruột, tốt cho tim mạch, chống lão hóa và ung thư tốt nhất trong các loại chè nên được người tiêu dùng ưu tiên sử dụng. Bình thường, vào lúc chè chính vụ, giá chè búp bình thường giá chỉ từ 300 - 500 nghìn đồng/kg thì chè Long Vân đã có giá 1 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, chè Long Vân có đặc điểm có độ tanin khá cao, nếu canh tác không tốt, chè xanh có vị chát, đỏ nước, tỷ lệ búp mù xòe nhiều. Vì thế giống này phải chăm theo hướng hữu cơ, tưới nước đầy đủ. Đây cũng là lý do vườn chè HTX đã đầu tư hệ thống tưới tự động.

 Ông Bàn Văn Dương (bên trái) Giám đốc HTX chè Tân Thái 168 giới thiệu sản phẩm chè Long Vân.

Ông Dương bảo, HTX đang được tỉnh, huyện hỗ trợ trồng mới 2 ha chè Long Vân theo nguồn vốn hỗ trợ sản xuất cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và hỗ trợ đầu tư thêm máy móc để sản xuất chè hàng hóa chất lượng cao. Bên cạnh đưa giống chè cao cấp vào trồng thì ông Dương đã cùng với chính quyền địa phương vận động người dân thay đổi các giống chè cũ bằng các giống chè cho năng suất, chất lượng tốt hơn. Đến nay, các đồi chè xã Tân Thành đã thay thế chè trung du cũ bằng giống chè PH1, PH8, Long Vân cho búp đẹp, độ chát và độ đậm tốt phù hợp sản xuất đại trà trà xanh phân khúc tầm trung, cao cấp.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành Trần Văn Bảo khẳng định: Cây chè đã trở thành cây có thu nhập ổn định ở Tân Thành. Với 131 ha, năng suất chè Tân Thành hiện cũng đạt cao nhất nhì huyện Hàm Yên, 86 tạ/ha, cá biệt có những nơi đạt trên 180 tạ/ha. Mỗi ha chè cho thu nhập từ 120 - 180 triệu đồng/năm. Tân Thành đang nỗ lực để cây chè sẽ là cây làm giàu. 

Với những nỗ lực của ông Bàn Văn Dương cộng với sự giúp sức của chính quyền, cơ quan chức năng các cấp, kỳ vọng sản phẩm chè của HTX chè Tân Thái 168 sẽ đạt OCOP 5 sao.

 

 

Người sưu tầm: Lê Thị Quỳnh Mai/Phòng Kinh tế hợp tác và Hành chính – Tổng hợp

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn/