Thực hiện kế hoạch Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, với rất nhiều thách thức phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID 19 nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, sự sáng tạo của các địa phương và chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Đến nay, sau 03 năm thực hiện (giai đoạn 2021- 2023) đã mang lại những khởi sắc mới trong thực hiện mục tiêu, kế hoạch Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Tuyên Quang, toàn tỉnh có 248 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện kế hoạch Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, với rất nhiều thách thức phải đối mặt, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID 19 nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, sự sáng tạo của các địa phương và chủ động vào cuộc của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. Đến nay, sau 03 năm thực hiện (giai đoạn 2021- 2023) đã mang lại những khởi sắc mới trong thực hiện mục tiêu, kế hoạch Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Tuyên Quang, toàn tỉnh có 248 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, hoàn thành vượt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, sau 03 năm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2023, các cấp, các ngành, các địa phương trong toàn tỉnh đã rất nỗ lực tập trung triển khai thực hiện chương trình, đến nay trên địa bàn tỉnh có 248 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (đạt 107,8% so với mục tiêu kế hoạch giai đoạn), trong đó: 208 sản phẩm đạt hạng 3 sao, có 39 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao, của 179 chủ thể, trong đó: 133 Hợp tác xã, 12 doanh nghiệp, 06 tổ hợp tác và 28 hộ kinh doanh trên địa bàn 121/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP đạt 87,7% kế hoạch (cụ thể: Lâm Bình: 09/10 xã, thị trấn, đạt 90%; Na Hang: 12/12 xã, thị trấn, đạt 100%; Chiêm Hoá: 17/24 xã, thị trấn đạt 75%; Hàm Yên: 15/18 xã, thị trấn đạt 83,33%; Yên Sơn: 27/28 xã, thị trấn, đạt 90,10%; Sơn Dương: 31/31 xã, thị trấn, đạt 100%; Thành phố Tuyên Quang: 10/15 xã, phường, đạt 66,7%). Sau 3 năm đã thực hiện vượt 7,8% mục tiêu phấn đấu về số lượng sản phẩm OCOP đến năm 2025, với 120/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm OCOP, đạt 87% mục tiêu năm 2025; góp phần đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh đứng 4 trong các tỉnh miền núi phía Bắc về tổng số lượng sản phẩm (sau tỉnh Hà Giang, Bắc Giang và Yên Bái).
Bà Ngô Tuyết Nhung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết: Qua việc tham gia thực hiện Chương trình OCOP, đã giúp cho các chủ thể sản phẩm hiểu biết hơn và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về điều kiện an toàn cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, áp dụng các quy trình trồng và chăm sóc sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ...); bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định; biết phát huy sức mạnh cộng đồng, phát huy những giá trị tiềm năng, lợi thế vùng miền trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa rộng, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, một số sản phẩm OCOP điển hình, tiêu biểu như: Chè Shan Tuyết 01 tôm 01 lá của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái, huyện Na Hang; Chè Xanh Ngọc Thuý, Trà Ngọc Thuý của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh (huyện Yên Sơn); Mật ong hương rừng của Hợp tác xã chăn nuôi ong Phong Thổ xã An Khang (thành phố Tuyên Quang); Trà đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá.
Bà Ngô Tuyết Nhung tiếp tục nhấn mạnh: Một số sản phẩm OCOP đã được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến và lựa chọn, góp phần từng bước xây dựng được thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương, tăng giá bán sản phẩm từ 10% đến trên 30%, có thể kể đến một số sản phẩm như: Dịch vụ du lịch cộng đồng homestay tại huyện Lâm Bình; Chè Shan Tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá, Rượu ngô Na Hang; Bánh gai Chiêm Hoá, rượu nếp cất 2 lần ông Chấp, trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hoá, chè Nhân Sơn (huyện Chiêm Hoá); Chè Tân Thái Dương 168 (huyện Hàm Yên); Chè Xanh Ngọc Thuý, Trà Ngọc Thuý (huyện Yên Sơn); Trà cà gai leo Hợp Hoà (huyện Sơn Dương); Mật ong hương rừng, mì khô Thuật Yến (thành phố Tuyên Quang)….
Đặc biệt, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, từ đó đã tạo được bước phát triển mới trong thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm, toàn tỉnh đã có trên 20 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh, cụ thể: Sơn Dương 02 điểm, Hàm Yên 01 điểm, Chiêm Hoá 03 điểm, Na Hang 04 điểm và thành phố Tuyên Quang 08 điểm; Yên Sơn 01 điểm; Lâm Bình: 01 điểm. Điển hình có Cửa hàng Thực phẩm xanh Sáng Nhung, địa chỉ: Tổ 8, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang, doanh thu năm 2023 từ các sản phẩm nông sản của tỉnh, bao gồm cả sản phẩm đã công nhận OCOP và sản phẩm tiềm năng OCOP đạt trên 300 triệu đồng/tháng; Cửa hàng Tâm Hương, địa chỉ: Số 320, đường 17/8, Tổ 4, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang, doanh thu năm 2023 từ các sản phẩm nông sản của tỉnh, bao gồm cả sản phẩm đã công nhận OCOP và sản phẩm tiềm năng OCOP khoảng 1,2 tỷ đồng/tháng.
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu thăm gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP tại Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025
Cũng theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, đạt được những thành tựu trong thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2023 là kết quả rất đáng khích lệ, tạo động lực để thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình trong thời gian tiếp theo. Đòi hỏi việc thực hiện Chương trình cần thiết phải bám sát một số bài học kinh nghiệm đã được rút ra sau 03 năm thực hiện: (1) Phải có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, thể hiện bằng việc ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch để chỉ đạo tổ chức thực hiện. Chính quyền các cấp phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết từng năm, thường xuyên kiểm điểm tiến độ thực hiện và hàng năm có đánh giá tổng kết để rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện. (2) Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp huyện, xã, phường, thị trấn về những quy định chuyên môn thuộc lĩnh vực ngành, đơn vị quản lý theo 6 nhóm sản phẩm tham giá chương trình OCOP “nhất là về an toàn thực phẩm, nhãn hàng hoá, môi trường” để trực tiếp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký tham gia đánh giá phân hạng, nâng hạng, đánh giá lại sản phẩm OCOP kịp thời, đúng quy định đạt hiệu quả tại cơ sở. (3) Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trong lĩnh vực chuyên môn quản lý, nhất là những quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn từ vùng nguyên liệu (VietGAP, hữu cơ...) đến cơ sở sản xuất chế biến đóng gói bảo quản sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng nhằm nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh. (4) Tổ chức tốt Chương trình sẽ làm thay đổi nhận thức của cộng đồng, góp phần quan trọng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP đã tạo nên những chuyển biến căn bản, tích cực như sự nhận thức của người dân và tổ chức kinh tế đã được nâng lên đặc biệt là ở vùng nông thôn trong việc thay đổi tập quán sản xuất cũ, nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, nay bắt đầu người dân đã dần từng bước được tiếp cận với phương thức sản xuất mới theo chuỗi liên kết và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị sản phẩm đồng thời gắn sản xuất với công tác xúc tiến thương mại, tiếp thị quảng bá sản phẩm.
Tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2024-2025 theo nội dung thông báo kết luận Hội nghị sơ kết 03 năm thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực và các điều kiện để tổ chức thực hiện chương trình OCOP; xác định rõ các nhiệm vụ theo từng lĩnh vực và thực hiện các giải pháp có hiệu quả để quyết tâm thực hiện hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra.
Thứ nhất là, Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp về Chương trình OCOP; tuyên truyền đến chủ thể OCOP để khơi dậy khát vọng xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm của đơn vị, mạnh dạn đầu tư phát triển nâng cao chất lượng, nâng hạng sao của sản phẩm OCOP của đơn vị, của địa phương. Các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, lựa chọn, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch chi tiết về nâng cao chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn hoá phát triển sản phẩm 3 sao nâng lên hạng 4 sao và hạng 5 sao, bảo đảm mục tiêu mỗi huyện, thành phố đều có ít nhất 01 sản phẩm OCOP hạng 5 sao và các xã, phường, thị trấn đều phải có sản phẩm OCOP theo Kế hoạch số 90/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025.
Thứ hai là, thực hiện tiêu chuẩn hoá, phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm: Các cấp, các ngành hướng dẫn, hỗ trợ chủ thể có sản phẩm OCOP tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị, bảo đảm các sản phẩm OCOP phải được chuẩn hóa và phát triển theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất của từng địa phương và yêu cầu của thị trường. Các huyện: Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang khẩn trương rà soát hoàn thiện xây dựng kế hoạch tiêu chuẩn hoá sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao để tổ chức thực hiện hoàn thành mục tiêu kế hoạch đề ra. Các chủ thể OCOP tiếp tục phát huy tốt vai trò làm chủ, phát triển nâng cao chất lượng và quy mô sản phẩm, không ngừng hoàn thiện và đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến để cải thiện thứ hạng sao cho sản phẩm OCOP; chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu tham gia thương mại sản phẩm. Đặc biệt chú trọng việc hoàn thiện bao bì, mẫu mã, khối lượng đóng gói bảo đảm sự tiện lợi cho người tiêu dùng.
Thứ ba là, về công tác đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP: Tổ chức thực hiện rà soát, đánh giá tại cấp huyện đảm bảo chặt chẽ đúng quy định; không chạy theo thành tích để lấy số lượng.
Thứ tư là, tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý sản phẩm OCOP: Các sở ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm; đảm bảo điều kiện sản xuất, điều kiện an toàn thực phẩm; hướng dẫn các chủ thể sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP theo đúng quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP Việt Nam. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cơ sở để quản lý tốt các sản phẩm OCOP đã được công nhận trên địa bàn.
Thứ năm là, về các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP: Các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP trên các Website của tỉnh, các sở, ban, ngành, trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang và quảng bá trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên các trang mạng xã hội; tham gia các Hội chợ, Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm được tổ chức trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành trong cả nước; tham gia chuỗi thương mại điện tử sản phẩm OCOP, kết nối đưa sản phẩm tiêu thụ tại cửa hàng bán sản phẩm OCOP trên hệ thống toàn quốc.
Hội đồng OCOP huyện Hàm Yên tổ chức Hội nghị đánh giá, phân hạng và đánh giá, phân hạng lại sản phẩm năm 2023
Phát huy những kết quả đã đạt được, chúng ta tin tưởng rằng các cấp, các ngành tỉnh Tuyên Quang và doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ gia đình sẽ chủ động, quyết liệt, nỗ lực phấn đấu, vào cuộc năng động, sáng tạo để thực hiện hoàn thành mục tiêu Kế hoạch số 90/KH-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025./.
Người viết: Trần Gia Lam - Chi cục Phát triển nông thôn