Thúc đẩy sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP ở Na Hang.

Thứ 5, ngày 29 tháng 2 năm 2024 - 16:49

Na Hang là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, mang đậm nét đặc trưng của huyện miền núi, vùng cao tỉnh Tuyên Quang. Khai thác tiềm năng và lợi thế đó, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang đã và đang chú trọng khơi dậy, nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên địa bàn gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần thực hiện toàn diện các mục tiêu phát triển, tạo sinh kế ổn định, bền vững cho người dân.


Sau 05 năm triển khai thực hiện, đến nay chương trình OCOP trên địa bàn huyện Na Hang đã mang lại những hiệu quả rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần thay đổi nhận thức của người dân từ tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hướng đến nhu cầu thị trường, tạo hướng phát triển mới trong tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp ở các xã trên địa bàn huyện. Cùng với đó, Chương trình OCOP cũng được xem là một trong những giải pháp để thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất, văn hóa – xã hội – môi trường thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Chương trình OCOP đã tạo động lực cho phong trào khởi nghiệp, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thông qua Chương trình, nhiều sản phẩm với mẫu mã đẹp, bắt mắt, đảm bảo chất lượng đã được tiêu thụ ổn định không chỉ ở địa phương xã, huyện mà còn được tiêu thụ mạnh mẽ trên địa bàn toàn tỉnh, một số sản phẩm đã được tiêu thụ rộng rãi ở nhiều tỉnh trong nước. Từ việc chú trọng khơi dậy, nâng tầm giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc trưng trên địa bàn gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm tại các xã trên địa bàn huyện, các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, mang đặc trưng riêng có của từng địa phương đã dần khẳng định được thương hiệu, không ngừng gia tăng về chất lượng và được nhiều người tiêu dùng biết đến, sử dụng.

Chè Shan tuyết hữu cơ của HTX Sơn Trà trở thành sản phẩm du lịch nổi trội của tỉnh Tuyên Quang.

Nằm ở độ cao trên 1000m so với mặt nước biển, xã Hồng Thái, huyện Na Hang có cảnh sắc và khí hậu đặc biệt. Vùng đất với khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng này đã tạo ra những sản phẩm không phải nơi nào cũng có. Xã Hồng Thái hiện có 06 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 01 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao là Chè Shan tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá (là sản phẩm tiềm năng 5 sao của huyện Na Hang). Ngoài ra còn 05 sản phẩm khác được xếp hạng 3 sao là: Bí xanh thơm; Rau bắp cải; Quả Lê Khâu Tràng; Chè Shan tuyết Hồng Thái 1 tôm 2 lá và Gạo tẻ an toàn Hồng Thái.

Sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái của HTX Sơn trà được nhận cúp Bạc “Sản phẩm hữu cơ vì sức khỏe cộng đồng”, lọt vào top 50 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng châu Á - Thái Bình Dương và được vinh danh “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”.

Ở xã Sơn Phú, nhờ có diện tích rừng tự nhiên rộng lớn đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân nơi đây phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Trước đây, nghề nuôi ong phát triển theo hướng tự phát, năng suất thấp, sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ. Để liên kết và tạo ra sản phẩm hàng hóa, xã Sơn Phú đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Việt Phú, với 12 thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, thu hoạch cũng như hỗ trợ nhau trong tiêu thụ sản phẩm. Là một trong các thành viên của Hợp tác xã, anh Phùng Văn Tiến, thôn Nà Mu có nguồn thu nhập ổn định từ mô hình nuôi ong lấy mật. Anh Tiến chia sẻ: Năm 2014, xuất phát từ ý tưởng mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm, anh đã đứng ra thành lập nhóm nuôi ong xã Sơn Phú. Là trưởng nhóm, anh tự nhận trách nhiệm hỗ trợ kỹ thuật cho bà con. Đến năm 2015, nhóm đã có 150 đàn ong, mỗi năm cho thu khoảng hơn 800 lít mật, doanh thu hơn 200 triệu đồng. Sau khi thành lập Hợp tác xã, đến cuối năm 2023 số đàn ong đã tăng lên trên 230 đàn, doanh thu mỗi năm đạt khoảng 500 triệu đồng. Sản phẩm Mật ong Sơn Phú đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao.

https://baotuyenquang.com.vn/media/images/2024/02/img_20240219231104.jpg

 

                

 

 

 

 

 

 

 

 

Mô hình nuôi ong của gia đình anh Phùng Văn Tiến, thôn Nà Mu, xã Sơn Phú, huyện Na Hang (Nguồn ảnh: Tuyên Quang Online)

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, Bộ tiêu chí, đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025 có nhiều tiêu chí với tiêu chuẩn khá khắt khe được xem là thử thách lớn đối với các hộ sản xuất các sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, để khuyến khích, hỗ trợ cho các chủ thể chủ động tham gia, phát triển sản phẩm theo Chương trình OCOP, huyện Na Hang đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung huy động nguồn lực từ các Chương trình, dự án phát triển sản xuất, kết hợp tạo điều kiện thuận lợi để các chủ thể tiếp cận với các cơ chế, chính sách của trung ương, của tỉnh, huyện để triển khai thực hiện Chương trình; chú trọng công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành triển khai thực hiện Chương trình OCOP, các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, các hộ sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện với quy mô vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị gắn liền với thị trường tiêu thụ. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất nông sản, thực phẩm hàng hóa có lợi thế của địa phương. Mở rộng quy mô sản xuất theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn (VietGAP, hữu cơ...); đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất; sử dụng bao bì, nhãn hiệu đúng quy định; phát huy tốt sức mạnh cộng đồng, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương trong tổ chức sản xuất và phát triển sản phẩm, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương, góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đến hết năm 2023, toàn huyện có 02 sản phẩm được cấp chỉ dẫn địa lý chè Shan Tuyết Na Hang, rượu ngô men lá Na hang; 08 sản phẩm đã được bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; 29 sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm Chè Shan tuyết Hồng Thái 1 tôm 1 lá của Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái đủ điều kiện dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Các sản phẩm đã có thương hiệu, xuất bán thường xuyên được người tiêu dùng ưa chuộng như: Chè Shan tuyết (Hồng Thái, Sinh Long, Sơn Phú); Rượu ngô men lá Na Hang (Kim Long, Trung Phong, Thức Mần, Chí Tín, Năng Khả...); lúa nếp đặc sản (Thượng Nông); bún khô Đà Vị; thịt lợn đen, thịt lợn chua Thanh Tương; gà đồi Năng Khả, cá đặc sản Na Hang...

Chương trình OCOP đang từng bước tạo ra những thay đổi trong tư duy sản xuất của người dân huyện miền núi vùng cao Na Hang. Dù chưa có nhiều sản phẩm OCOP nhưng với sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của người dân, cùng với việc triển khai một cách bài bản, cụ thể Chương trình OCOP ở Na Hang đang mở ra những triển vọng mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Giai đoạn 2021-2025, Huyện Na Hang phấn đấu có 02 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao; 03 sản phẩm được nâng lên hạng 4 sao và phân hạng 25 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt từ hạng 3 sao trở lên. Cùng với đó, khai thác có hiệu quả thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu Chương trình OCOP của huyện nhằm hỗ trợ tích cực công tác quản lý nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của địa phương./.

Người viết: Nguyễn Văn Hiệp - Chi cục Phát triển nông thôn