Hưng Hà: Đưa sản phẩm OCOP vươn xa

Thứ 4, ngày 9 tháng 10 năm 2024 - 10:24

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Hưng Hà chú trọng phát triển các sản phẩm mang đặc trưng, lợi thế, thương hiệu của từng địa phương, tạo điều kiện nâng cao giá trị, tăng doanh số bán hàng cho các chủ thể và mở rộng thị trường tiêu thụ. Để tiếp tục nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP, huyện tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy các sản phẩm OCOP vươn xa.


Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Hưng Hà chú trọng phát triển các sản phẩm mang đặc trưng, lợi thế, thương hiệu của từng địa phương, tạo điều kiện nâng cao giá trị, tăng doanh số bán hàng cho các chủ thể và mở rộng thị trường tiêu thụ. Để tiếp tục nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP, huyện tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy các sản phẩm OCOP vươn xa.

Dịp tết Nguyên đán, cơ sở bánh chưng Ngoan Trần gói gần 15.000 chiếc bánh chưng phục vụ khách.

Đầu năm 2024, HTX DVNN xã Chí Hòa đón nhận niềm vui khi sản phẩm gạo Bắc Thơm 7 được UBND huyện Hưng Hà công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là điều kiện thuận lợi để HTX tiếp tục nâng tầm thương hiệu sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường. 

Ông Mai Xuân Định, Giám đốc HTX chia sẻ: HTX đã quy hoạch hơn 60ha cấy lúa tại cánh đồng 3 thôn: Vân Đài, Vị Giang, Sành với trên 300 hộ tham gia. HTX đã đầu tư máy sấy thóc, máy xay xát, máy hút chân không... trị giá hơn 200 triệu đồng để thực hiện quy trình xây dựng thương hiệu sản phẩm. Vụ xuân năm 2024, HTX đã thu được hơn 360 tấn thóc tươi, trong đó đã liên kết với các công ty tiêu thụ 180 tấn sản phẩm cho bà con. Hiện HTX đã kết nối với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ sản phẩm cho bà con, từng bước chinh phục khách hàng trong và ngoài tỉnh.

Nằm trong vùng quy hoạch sản xuất gạo để thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP của địa phương, bà Nguyễn Thị Toán, thôn Vân Đài đã đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí đặt ra. Bà chia sẻ: Chúng tôi rất vui mừng khi sản phẩm gạo Chí Hòa được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Để hạt gạo trong, mềm dẻo, thơm, hạt chắc và to, trong quá trình chăm sóc lúa chúng tôi phải quan tâm đến việc cung cấp dinh dưỡng, phòng, trừ sâu bệnh. Vì thế, tôi đã sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật đúng khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ. Vụ xuân năm 2024, với hơn 1 mẫu ruộng gia đình thu gần 3 tấn thóc; được HTX bao tiêu sản phẩm chúng tôi yên tâm sản xuất.

Từ bao đời nay, gói bánh chưng đã trở thành nghề “cha truyền con nối” ở phố Lẻ, thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh. Thừa hưởng tình yêu với chiếc bánh chưng xanh, chị Trần Thị Ngoan quyết tâm xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của quê hương. Sau thời gian dài ấp ủ, năm 2014 chị chính thức bắt tay vào thực hiện. Từ kinh nghiệm được truyền lại của gia đình kết hợp học tập ở các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang chị đã tạo ra sản phẩm có hương vị đặc trưng của riêng mình. Nhờ đó, tháng 1/2024 bánh chưng xanh Ngoan Trần đã được huyện Hưng Hà công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. 

Chị Ngoan cho biết: Để gói được chiếc bánh chưng ngon đòi hỏi rất nhiều công đoạn cầu kỳ. Lá dong phải chọn lá tươi, màu xanh, tàu lá còn nguyên vẹn; gạo phải ngâm đãi sạch; đỗ phải nấu dẻo rồi nắm lại; thịt thái ngang khổ, ướp gia vị... Ngoài ra, người gói cần biết kết hợp, pha trộn nguyên liệu để tạo thành một chiếc bánh sao cho hài hòa, cân bằng. Đồng thời, tôi cũng từng bước xây dựng mã vạch, lập các trang web giới thiệu sản phẩm để đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch điện tử. Với những tiêu chuẩn khắt khe tự đặt ra cho bản thân, sau 10 năm từ ý tưởng đi vào thực hiện, đến nay mỗi năm cơ sở của tôi cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn sản phẩm.

Theo kế hoạch thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2022 - 2025, huyện Hưng Hà phấn đấu có 30 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 10 sản phẩm được công nhận 4 sao, 5 sản phẩm được công nhận 5 sao. Chính vì thế, việc ban hành cơ chế hỗ trợ các xã, thị trấn khi xây dựng sản phẩm 100 triệu đồng/sản phẩm và khen thưởng các chủ thể, địa phương có sản phẩm được công nhận OCOP được kỳ vọng sẽ trở thành đòn bẩy khuyến khích, kích cầu để sản xuất phát triển nhằm tăng về số lượng, chất lượng, chủng loại và giá trị của sản phẩm, góp phần duy trì và phát triển các sản phẩm truyền thống của quê hương lên tầm cao mới. 

Ông Nguyễn Minh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đến nay, toàn huyện có 24 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP của huyện, chúng tôi tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, hướng đến kết nối liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu chương trình OCOP; phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp, nhất là các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.

Với nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng mẫu mã, tăng cường quảng bá, các chủ thể OCOP ở Hưng Hà đang có thêm nhiều cơ hội đưa sản phẩm vươn xa, qua đó góp phần đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Toán, thôn Vân Đài, xã Chí Hòa kiểm tra diện tích lúa xây dựng sản phẩm gạo Chí Hòa.

 

Người sưu tầm: Tô Hưng Khánh/Phòng Kinh tế hợp tác và Hành chính - Tổng hợp

Nguồn: Thanh Thủy; baothaibinh.com.vn