Cùng với các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, với lợi thế là địa phương có nhiều sản vật nổi tiếng, ẩm thực đặc trưng, những năm qua, tỉnh Nam Định đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm liên kết, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Cùng với các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, với lợi thế là địa phương có nhiều sản vật nổi tiếng, ẩm thực đặc trưng, những năm qua, tỉnh Nam Định đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm liên kết, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP.
|
Du khách quốc tế trải nghiệm dịch vụ du lịch Ecohost Hải Hậu.
|
Triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, tính đến hết tháng 6/2024, toàn tỉnh có 432 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 235 chủ thể là cơ sở sản xuất trên địa bàn. Việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch sinh thái cộng đồng gắn với thực hiện Chương trình OCOP được tỉnh đặc biệt quan tâm. Các địa phương có mô hình, sản phẩm du lịch có tiềm năng được tạo điều kiện hỗ trợ xây dựng thành các điểm đến du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP. Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái là một trong 6 nhóm sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Hiện tỉnh có 2 sản phẩm là Du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân (Giao Thủy) đạt 3 sao và Du lịch nông thôn Ecohost Hải Hậu đạt 4 sao.
Tại huyện Giao Thủy, thực hiện Đề án số 304/ĐA-UBND ngày 17/4/2021 của UBND huyện về “Khuyến khích phát triển các sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025”; huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn các xã, thị trấn rà soát, khuyến khích, động viên các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tham gia chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP của địa phương. Vườn Quốc gia Xuân Thủy, xã Giao Xuân (Giao Thủy) với những ưu thế nổi trội để trở thành điểm đến du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng từ hơn chục năm trước, Hợp tác xã Du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân được thành lập, hoạt động theo mô hình cộng đồng cùng nhau xây dựng và phát triển. Người dân cải tạo nâng cấp nhà ở của mình thành nơi có thể đón khách du lịch đến lưu trú, cùng tham gia các hoạt động sinh hoạt đời thường để trải nghiệm nét văn hóa đặc trưng bản địa. Ngoài tắm biển, thưởng thức ẩm thực đồng quê, ngắm các loài chim di trú, du khách có thể thăm thú đồng quê bằng xe đạp, hòa mình sâu hơn vào đời sống nông thôn... Vào các thời điểm mùa lễ hội trong năm, du khách còn được tham gia các tour du lịch văn hóa với nhiều hoạt động đặc sắc như: Giao lưu văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian; trải nghiệm làm muối, làm nước mắm cùng người dân; tham quan nhà bổi, nhà cổ, bến cá…
Phát huy thế mạnh là địa phương có đa dạng sản phẩm nông nghiệp, làng nghề nông thôn, những năm qua, thông qua quảng bá phát triển du lịch, kết nối giới thiệu sản phẩm với du khách, huyện Hải Hậu đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP, đưa nhiều sản phẩm địa phương vươn xa ra các thị trường rộng lớn. Các xã, thị trấn trong huyện đã phối hợp các cơ quan, đơn vị chuyên môn tổ chức tập huấn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm, Luật Sở hữu trí tuệ, bảo vệ thương hiệu, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, kỹ năng marketing phát triển sản phẩm, giám sát, quảng bá, phát triển thương mại sản phẩm. Năm 2023, huyện Hải Hậu là địa phương duy nhất có 1 sản phẩm tiềm năng xếp hạng 5 sao (Du lịch sinh thái cộng đồng Ecohost Hải Hậu) và có số sản phẩm OCOP 4 sao được công nhận nhiều nhất tỉnh với 7 sản phẩm được công nhận. 100% các xã, thị trấn của huyện đều có sản phẩm OCOP. Đến với Ecohost Hải Hậu, du khách có cơ hội ở homestay sinh thái, trải nghiệm chân thực các hoạt động văn hóa đặc sắc từ thưởng thức các món ẩm thực đặc sản nem nắm, bánh nhãn, gạo nếp… đến nghệ thuật hát văn, múa rối nước; được tham quan các làng nghề, di tích như: Làng nghề đan lưới, xã Hải Triều; làng nghề kèn đồng, xã Hải Minh; Nhà thờ đổ Hải Lý; Cầu ngói - Chùa Lương, xã Hải Anh… Qua đó, giúp du khách có cảm nhận đầy đủ, chân thật nhất về những giá trị văn hóa phi vật thể và cuộc sống của cộng đồng; rút ngắn khoảng cách giữa khách du lịch và người dân. Với phương châm phát triển du lịch vì lợi ích cộng đồng, Ecohost Hải Hậu hỗ trợ quảng bá và thiết kế các sản phẩm thủ công độc đáo. Sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng là Ecohost Hải Hậu đang được UBND tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao.
Các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng được nâng cao về chất lượng, giá trị thương hiệu được nâng tầm và khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần giới thiệu, quảng bá văn hóa vùng đất, con người Nam Định đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước; thu hút khách du lịch về tham quan, trải nghiệm du lịch. Tập trung phát triển du lịch nông thôn gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP, hàng năm, các ngành, địa phương trong tỉnh phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại thị trường trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, sự tin tưởng của người tiêu dùng đối với sản phẩm OCOP đã góp phần khích lệ, cổ vũ các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Một số doanh nghiệp lữ hành đã kết nối với các nghệ nhân, người dân làng nghề tổ chức cho du khách tham gia trải nghiệm các công đoạn sản xuất, chế biến các sản vật tại địa phương với những nguyên liệu bản địa sẵn có để cảm nhận những khó khăn, vất vả của người sản xuất cũng như những giá trị văn hóa kết tinh trong sản phẩm nghề truyền thống; qua đó ngày càng đa dạng hóa các loại hình du lịch, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Việc phát triển du lịch từ các sản phẩm OCOP đã đem đến hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới, tương tác với cả 2 ngành kinh tế du lịch và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ thương hiệu”, “đại sứ văn hóa” chuyển tải những câu chuyện, những giá trị văn hóa của từng vùng, miền.
Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục rà soát, quy hoạch, định hướng, xây dựng kế hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông thôn theo hướng liên kết vùng. Trong đó, chú trọng quy hoạch phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn gắn với Chương trình OCOP nhằm tạo ra các sản phẩm đặc thù, độc đáo của các địa phương để hấp dẫn, lôi cuốn du khách đến tham quan, trải nghiệm, đặc biệt hướng đến đối tượng du khách có khả năng và sẵn sàng chi tiêu lớn. Đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của các hoạt động quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông sản của địa phương trên các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội, các ứng dụng điện tử đến cộng đồng, để góp phần thúc đẩy các chủ thể tiềm năng mạnh dạn tham gia và tăng doanh thu, giá trị các sản phẩm. Hỗ trợ các chủ thể sản xuất có sản phẩm OCOP, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc sản, đặc trưng của tỉnh tham gia hội thảo, hội nghị triển lãm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến du lịch vùng; tổ chức các chương trình kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố lớn nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm OCOP được kết nối với các điểm trưng bày sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố lớn. Tăng cường các quầy bán hàng quà tặng, quà lưu niệm, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP... của tỉnh tại các khu di tích, danh thắng, điểm du lịch, tham quan, trải nghiệm cộng đồng, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh.
Người sưu tầm: Tô Hưng Khánh/Phòng Kinh tế hợp tác và Hành chính - Tổng hợp
Nguồn: Khánh Dũng; baonamdinh.vn.