Thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã có nhiều chính sách tạo điều kiện phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương thành sản phẩm OCOP.
Thời gian qua, huyện Mù Cang Chải đã có nhiều chính sách tạo điều kiện phát triển các sản phẩm lợi thế của địa phương thành sản phẩm OCOP.
Các sản phẩm OCOP của huyện Mù Cang được trưng bày quảng bá tại các lễ hội trên địa bàn.
Sinh ra và lớn lên ở bản Púng Luông, xã Púng Luông, từ nhỏ anh Lù A Câu, sinh năm 1980, dân tộc Mông vốn thân quen với những đồi chè xanh bạt ngàn. Nhận thấy nhu cầu sử dụng chè, nhất là chè an toàn của người dân ngày một cao nên Lù A Câu ấp ủ suy nghĩ và ý tưởng thành lập một cơ sở sản xuất chè sạch tại địa phương. Anh Câu bộc bạch: "Mình nghĩ, Púng Luông có giống chè ngon, tại sao mình lại không tận dụng lợi thế này để vừa nâng cao giá trị cho cây chè, vừa phát triển kinh tế khi mà đất canh tác đang ngày càng ít đi?”.
Tháng 5/2019, Lù A Câu đã thành lập cơ sở sản xuất chè Shan tuyết Púng Luông. Quá trình sản xuất, nhận thấy hộ cá thể chưa thể gây dựng được thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm chè, dưới sự hỗ trợ của Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Yên Bái, chính quyền địa phương và các sở ngành, tháng 7/2020, anh Câu cùng 7 thành viên khác thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Púng Luông.
Để tìm hiểu về cách sản xuất, chế biến ra các sản phẩm chè thơm ngon, an toàn từ chính những đồi chè đang khai thác tại địa phương, không phụ công của các thành viên HTX, tháng 9/2020, sản phẩm chè Shan tuyết của HTX đã được UBND tỉnh Yên Bái cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Giám đốc Lù A Câu cho biết thêm: "Đang làm theo kiểu truyền thống, tự phát, giờ làm theo quy chuẩn đúng là không đơn giản, nhưng các thành viên rất vui vì sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến hơn, sức tiêu thụ tốt hơn. Năm 2023, doanh thu của HTX đạt gần 1 tỷ đồng".
Trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Mù Cang Chải được biết, sau hơn 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay huyện Mù cang Chải có 13 sản phẩm OCOP. Trong đó có 2 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh là Làng văn hóa du lịch cộng đồng Khim Nọi (homestay) và Điểm du lịch cộng đồng Hello Mù Cang Chải (homestay) cùng 11 sản phẩm đạt 3 sao cấp huyện gồm: Bản văn hóa du lịch cộng đồng La Pán Tẩn (homestay); Mật ong hoa tự nhiên Mù Cang Chải; Chè Shan tuyết Púng Luông; Gạo nếp Tan Khau Phạ; Sơn tra khô thái lát; Shan tuyết trà; Trà sơn tra Tâm Phúc An (trà táo mèo); Mật ong hoa rừng Nậm Khắt; Gạo Sén cù Hồ Bốn; Su su bao tử; Nấm hương.
Tuy nhiên, còn 3 phẩm đã hết hạn 36 tháng vào 2023 nhưng các chủ thể không đánh giá lại vì 1 sản phẩm chủ thể không có nhu cầu đánh giá lại là sản phẩm Điểm du lịch cộng đồng Hello Mù Cang Chải không sử dụng nhãn hiệu, logo sản phẩm OCOP để giới thiệu hoặc quảng bá sản phẩm (điểm du lịch vẫn hoạt động kinh doanh bình thường); 1 sản phẩm do HTX đã giải thể, không còn hoạt động kinh doanh dịch vụ là sản phẩm Bản văn hóa du lịch cộng đồng La Pán Tẩn do các thành viên trong hợp tác không đóng góp các nghĩa vụ theo quy định của Nhà nước; 1 sản phẩm HTX vẫn đang tiếp tục hoàn thiện thiện hồ sơ để đánh giá lại sản phẩm là sản phẩm Làng văn hóa du lịch cộng đồng Khim Nọi, do vào cuối năm 2023 Làng văn hóa tách HTX từ HTX Hội Nông dân huyện Mù Cang Chải và thành lập mới thành HTX Du lịch cộng đồng Khim Nọi.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Sùng A Chua chia sẻ: Để nâng cao hiệu quả của Chương trình OCOP, thời gian tới, huyện tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sản phẩm OCOP, đào tạo tập huấn kiến thức về Chương trình OCOP cho cán bộ quản lý các cấp, chủ thể sản xuất tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn. Phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa sản xuất của người dân, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với của từng vùng trên địa bàn kết hợp xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm, nông nghiệp sinh thái gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP.
Phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế và điều kiện của địa phương; tập trung hỗ trợ, rà soát, hướng dẫn các chủ thể chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm OCOP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt sao; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP; giới thiệu sản phẩm OCOP, áp dụng công nghệ thông tin, nhằm khai thác lợi thế về du lịch nông thôn; tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP; thúc đẩy trên hệ thống thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), đặc biệt đối với các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã và đang tạo ra sức bật mới, khơi dậy tiềm năng sản xuất nông nghiệp không chỉ ở những vùng thuận lợi mà ở cả vùng sâu, vùng xa, nhiều cây trồng, sản phẩm từ chỗ tự phát, manh mún đã trở thành hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao, giúp hình thành hàng hóa sản xuất chuyên canh theo hướng mở rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và sản xuất theo chuỗi liên kết mang lại hiệu quả thiết thực, vững bền cho chủ thể.
Người sưu tầm: Tô Hưng Khánh/Phòng Kinh tế hợp tác và Hành chính - Tổng hợp
Nguồn: Quang Thiều; baoyenbai