Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (tiếng Anh là One commune, one product- viết tắt là OCOP) là mô hình được học tập, vận dụng kinh nghiệm từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm của Nhật Bản” (tiếng Anh là One village, one product- viết tắt là OVOP) từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Phong trào này đã gắn kết được các hoạt động sản xuất với chế biến, tiêu thụ tạo ra nhiều việc làm, nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh (thực chất là giải pháp để phát triển kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa, danh thắng có lợi thế của các địa phương) từ đó làm tăng thu nhập cho người dân nông thôn, đến nay đã có hơn 40 nước học tập và triển khai thành công.
1. Phạm vi:
Triển khai ở toàn bộ khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, khuyến khích thực hiện Chương trình ở khu vực đô thị (phường, thị trấn).
2. Đối tượng
- Sản phẩm: 06 nhóm sản phẩm: Thực phẩm; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
- Chủ thể thực hiện: Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh.
3. Nguyên tắc thực hiện
- Nhà nước đóng vai trò ban hành các cơ chế chính sách, hỗ trợ kinh phí hợp lý để các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các làng nghề, cá nhân (hộ sản xuất) phát triển xây dựng nhãn hiệu sản phẩm; cải tiến mẫu mã, bao bì; máy móc, trang thiết bị;…,đào tạo nghề; lãi suất tín dụng; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm;...
- Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các làng nghề, cá nhân (hộ sản xuất) là chủ thể tự quyết định lựa chọn các sản phẩm có lợi thế của địa phương để phát triển các sản phẩm đó đảm bảo theo đúng quy chuẩn đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.