Sơ kết Chương trình Khoa học Công nghệ nông thôn mới và Hội thảo về Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025

Thứ 5, ngày 29 tháng 4 năm 2021 - 15:17

Từ ngày 26/4 đến ngày 27/4/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng khung chương trình và giải pháp thúc đầy Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025.


Tham dự hội nghị có đồng chí Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT; đồng chí Phạm Công Tạc - Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ; đại diện một số Bộ, Ngành liên quan; một số đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại diện Lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới của 63 tỉnh, thành phố.

Quang cảnh Hội nghị sơ kết (Nguồn: Internet)

Hội nghị sơ kết Chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và Hội thảo về góp ý xây dựng khung chương trình và giải pháp thúc đẩy Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức nhằm trao đổi, lấy ý kiến của các Bộ, ngành và các địa phương về khung pháp lý cho Chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới và chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025.

Hội nghị đã tập trung thảo luận đánh giá về: Kết quả chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn II từ 2018-2020; một số định hướng và yêu cầu trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; đề xuất khung Chương trình khoa học công nghệ phụ vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; kết quả Chương trình OCOP và khung đề cương Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025; định hướng xây dựng Trung tâm khởi nghiệp và  phát triển sản phẩm OCOP tại các vùng trên cả nước; Bảo tồn làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản xuất, quảng bá và thương mại sản phẩm OCOP; giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP ở Việt Nam... làm cơ sở đó để đề xuất chủ trương và định hướng giai đoạn 2021 – 2025 về Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ xây dựng Nông thôn mới và Chương trình OCOP.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chương trình Khoa học Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 45/QĐ – TTg ngày 12/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ, sau 10 năm triển khai, chương trình đã nghiên cứu xây dựng và chuyển giao 60 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, 50 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân theo chuỗi giá trị ở khu vực nông thôn, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Các đề tài, dự án đã tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn cho hàng nghìn cán bộ kỹ thuật địa phương và nông dân; tham gia đào tạo 34 nghiên cứu sinh tiến sĩ và học viên cao học. Các kết quả nghiên cứu đã đóng góp kịp thời cho Trung ương Đảng tổng kết 1 số vấn đề lý luận và thực tiễn 30 năm đổi mới; tổng kết Chương trình Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2019.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai thời gian qua đã đạt được những kết quả toàn diện, tích cực. Trong đó, Khoa học công nghệ được xác định là động lực và nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình; góp phần vào phát triển bền vững ở khu vực nông thôn trên tất cả các mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo nội dung Chương trình, ngày 27/4/2021 đã diễn ra Hội thảo về góp ý xây dựng khung chương trình và giải pháp thúc đẩy Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025, đối thoại với các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế về phát triển OCOP xanh theo hướng xuất khẩu, chuyển đổi số và thúc đẩy cơ giới hóa và chế biến quy mô nhỏ và trung bình. Theo báo cáo đánh giá của Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, phát triển sản phẩm OCOP đã trở thành một giải pháp quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trong suốt 3 năm qua (giai đoạn 2018-2020). Chương trình OCOP phát huy sự sáng tạo, nguồn lực và sự tham gia của cộng đồng, phù hợp với điều kiện của từng địa phương để phát triển nhóm sản phẩm đặc sản, làng nghề nông thôn trên phạm vi làng, xã. Đến nay, cả nước đã hình thành hơn 4.733 sản phẩm OCOP của 2.596 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất.

Cũng trong nội dung Chương trình, sáng ngày 26/4, tại thành phố Phú Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang khai mạc hội chợ triển lãm OCOP với chủ đề “Hương sắc miền Tây”.

Hội chợ OCOP tại TP. Phú Quốc (Nguồn: Internet)

Hội chợ được tổ chức ở công viên Bạch Đằng của thành phố Phú Quốc, thu hút 32 gian hàng của gần 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, đặc biệt là của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia trưng bày các sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Tại đây, các đại biểu, khách du lịch sẽ được tìm hiểu, mua sắm những sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, chất lượng nhất của từng vùng miền, địa phương trong cả nước.

Cũng theo nội dung Chương trình Hội nghị, các đại biểu và khách mời đã được đi khảo sát tuyến du lịch sinh thái trải nghiệm nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ rừng tại Phú Quốc; khảo sát Trung tâm giới thiệu ẩm thực, đặc sản, du lịch Đồng Tháp và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

 

Người ST: Trần Gia Lam/Phòng Phát triển nông thôn và Bố trí dân cư