Nâng cao giá trị sản phẩm OCOP nhờ chuyển đổi số

Thứ 5, ngày 29 tháng 4 năm 2021 - 07:37

Ngoài chất lượng, sản phẩm được dán nhãn chuẩn OCOP cần có tính đặc trưng địa phương, đơn vị có yếu tố công nghệ, dây chuyền sản xuất, hệ thống quản lý.


Hội thảo về thúc đẩy chuyển đổi số và khai thác quyền sở hữu trí tuệ trong phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) tổ chức sáng 24/4 tại Bộ Khoa học và Công nghệ, nhiều mô hình được chia sẻ. Trong số này có chị Bùi Thị Thanh Hà ở Thường Tín (Hà Nội) đang là chủ vùng trồng rộng 8 nghìn m2, chuyên cung cấp hơn 30 loại rau baby, rau mầm tới các siêu thị nội thành.

Từ năm 2012, đơn vị của Hà là một trong nhiều doanh nghiệp đầu tiên có sản phẩm được dán nhãn OCOP tại Hà Nội. Để được công nhận, toàn bộ quy trình trồng đều được đưa lên hệ thống quản lý. Từ tưới rau, bón phân... đều được ghi chép tỉ mỉ. "Việc này giúp siêu thị và người tiêu thụ dễ dàng theo dõi và truy xuất. Nhờ vậy, người mua tin tưởng vào chất lượng hơn, trung bình mỗi ngày đơn vị xuất 250 kg rau tới các siêu thị", chị Hà nói. Ngoài chất lượng, chủ đơn vị cần chứng minh được tính bản địa, sáng tạo, yếu tố công nghệ, dây chuyền sản xuất của sản phẩm đó.

                   Giống rau baby được bảo quản trong nhà kính

Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng, Chánh Văn phòng, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho biết, mô hình của chị Hà là một trong 2.596 đơn vị có sản phẩm đạt chuẩn OCOP giai đoạn 2016-2020 trên toàn quốc.

Hiện 63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch OCOP cấp tỉnh nhưng mới có 60 địa phương tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó 4.733 sản phẩm được công nhận đạt 3 sao trở lên. Có hơn 145 sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì Hà Giang, chè Tân Cương Thái Nguyên, cà phê Sơn La...

Nhấn mạnh giá trị của sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, sản phẩm này được gắn liền với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu, đất đai của từng vùng miền, quá trình canh tác đặc biệt và liên quan đến nguồn gene bản địa riêng biệt. "Trong thương mại, tính riêng biệt làm nên giá trị, lợi thế rất lớn", ông nói và cho rằng, giá trị đặc trưng này cần phải được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, bảo hộ dưới hình thức bản quyền tác giả.

                      Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại sự kiện.

Theo TS Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu (bao gồm nhãn hiệu quốc gia và nhãn hiệu quốc tế) nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ năm 2020 tăng 1,6% so với năm 2019. Tuy nhiên một số doanh nghiệp còn chưa quan tâm tới bảo hộ dán nhãn hiệu. Theo ông, nếu không kịp đăng ký bảo hộ, sản phẩm có thể bị đối tác hay đối thủ chiếm đoạt thì đơn vị có thể chịu tổn thất. "Điều dễ nhận thấy nhất là việc xuất hàng sẽ không thực hiện được, doanh nghiệp phải thay đổi nhãn hiệu và chi phí tiếp thị mới", ông Hồng nói.

Ông Tiến cho biết, đơn vị hợp tác xã hoặc doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ và thống nhất về quản lý và giám sát sản phẩm OCOP, lập hồ sơ và quản lý dữ liệu. Đồng thời triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP, gắn với giám sát - chứng thực của công tác quản lý nhà nước, đưa sản phẩm này lên các sàn thương mại điện tử.

 

Người sưu tầm: Lê Thị Thu Hường/Nguồn: Nguyễn Xuân/Ocop Bộ Công thương.