Bắc Giang phấn đấu nâng hạng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Thứ 4, ngày 27 tháng 1 năm 2021 - 09:23

Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến hết năm 2020, toàn tỉnh Bắc Giang có 95 sản phẩm OCOP; trong đó 71 sản phẩm 3 sao và đã có 24 sản phẩm được công nhận đạt 4 sao.


Sau hơn 2 năm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến hết năm 2020, toàn tỉnh Bắc Giang có 95 sản phẩm OCOP; trong đó 71 sản phẩm 3 sao và đã có 24 sản phẩm được công nhận đạt 4 sao.

 

Trưng bày các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Giang tại Hà Nội năm 2020.

(Ảnh: Thái Hoà)

          Đồng chí Lê Ô Pích, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia tỉnh Bắc Giang cho biết: Bắc Giang là 1 trong 6 tỉnh sớm nhất cả nước phê duyệt Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2030. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, với sự tập trung chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự hưởng ứng và đồng thuận của cộng đồng, các chủ thể cơ sở sản xuất, Chương trình OCOP đã được triển khai ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh và đạt kết quả rất ấn tượng. Một số địa phương đã tổ chức thực hiện tích cực, đã khai thác hiệu quả các sản phẩm đặc sản, truyền thống gắn với lợi thế để phát triển sản phẩm OCOP; nổi bật như các huyện Yên Thế, Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn… Chương trình OCOP thực sự là giải pháp rất quan trọng, tạo động lực mới trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn.

          Từ khi thực hiện Chương trình, đến hết năm 2020, toàn tỉnh Bắc Giang có 95 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên (trong đó 24 sản phẩm đạt 4 sao, chiếm 25,3%). Tính riêng năm 2020, có 5 đơn vị có 9 sản phẩm đạt 4 sao, đó là: HTX sản xuất Mỳ gạo Chũ Hiền Phước xã Nam Dương, huyện Lục Ngạn có 03 sản phẩm; Công ty xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu xã Phượng Sơn, Lục Ngạn có 03 sản phẩm; Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu ViFoco, HTX dược liệu xã Trường Sơn, huyện Lục Nam, HTX Núi ông Vệ xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, mỗi đơn vị có 01 sản phẩm…

          Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP của Bắc Giang đều phát triển tốt và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng, mẫu mã, hệ thống nhận diện, thương hiệu. Nhiều sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, lựa chọn tin dùng. Chương trình OCOP cũng đã tạo ra phong trào khởi nghiệp, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tại các địa phương trong tỉnh. Đã có 56 chủ thể có sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng; trong đó 87,7% là HTX, 7% là doanh nghiệp, 5,3% là hộ gia đình. Một số địa phương đã quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất tham gia các cuộc triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh; xây dựng 6 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại địa phương. Một số sản phẩm OCOP của Bắc Giang đã vào các siêu thị lớn như BigC, VinMartm, Aeon.

          Tuy nhiên trong quá trình thực hiện Chương trình này cũng bộc lộ một số hạn chế, tỉnh Bắc Giang cần sớm khắc phục, như: Các cơ sở tham gia Chương trình OCOP chủ yếu quy mô nhỏ, sản phẩm hầu hết mới chỉ dừng lại ở chế biến thô, việc mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến để gia tăng giá trị chưa đáng kể. Chương trình OCOP chưa được phổ biến, hướng dấn kỹ ở một số địa bàn vùng sâu vùng xa, chưa khơi dậy mạnh mẽ các sản phẩm đặc trưng vùng miền trong tỉnh tham gia Chương trính.

          Mục tiêu năm 2021, tỉnh Bắc Giang phấn đấu có thêm ít nhất 20 sản phẩm OCOP, trong đó nâng hạng ít nhất 02 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao; lũy kế toàn tỉnh đạt 115 sản phẩm OCOP. Để đạt mục tiêu trên, tỉnh Bắc Giang sẽ đẩy mạnh hơn nữa phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và đặc sản, thế mạnh của địa phương gắn với xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác sản phẩm, truy xuất nguồn gốc; tập trung nâng hạng sản phẩm OCOP theo hướng sản phẩm OCOP chưa đạt cấp tỉnh lên đạt cấp tỉnh; sản phẩm đã đạt 3 sao nâng lên đạt 4 sao, 5 sao.

Người sưu tầm: Đỗ Đắc Huy/Nguồn sưu tầm: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam