Chư Sê hỗ trợ xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP

Thứ 3, ngày 19 tháng 1 năm 2021 - 13:55

Các sản phẩm OCOP của huyện Chư Sê (Gia Lai) sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước.


Các sản phẩm OCOP của huyện Chư Sê (Gia Lai) sẽ được hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm tại thị trường trong và ngoài nước.

Sản phẩm tiêu đen của công ty An Thắng đạt chuẩn OCOP 3 sao.

          Với mục tiêu sản xuất các sản phẩm truyền thống đạt chuẩn, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, huyện Chư Sê đang tích cực hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp và hộ dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đăng ký tham gia chương trình OCOP.

          Vừa qua, Hội đồng đánh giá, phân hạng của huyện Chư Sê đã tổ chức chấm điểm các sản phẩm tham gia chương trình OCOP của địa phương. Kết quả trong năm 2020 có 6 sản phẩm được đánh giá đạt tiêu chuẩn gồm: Tiêu trắng hạt của Công ty An Thắng Gia Lai, hạt mắc ca Đất Việt của Công ty Song Long Gia Lai, cùng các sản phẩm hạt sachi rang sấy, nhân sachi rang sấy, dầu sachi nguyên chất, hạt mắc ca rang sấy của Hợp tác xã Hoài Trương Chư Sê.

          Đặc biệt, sản phẩm hạt tiêu đen của Công ty An Thắng Gia Lai và hạt sachi của Công ty TNHH Macca Sachi Tây Nguyên được hội đồng cấp tỉnh đánh giá, phân hạng sản phẩm cùng đạt 3 sao.

          Hiện huyện Chư Sê và các doanh nghiệp đã hoàn tất hồ sơ 6 sản phẩm gửi hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh thẩm định.

Các sản phẩm của hợp tác xã Hoài Trương tham gia chương trình OCOP.

          Ông Nguyễn Văn Hợp, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chư Sê cho biết, chương trình OCOP là giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm cơ cấu lại và phát triển kinh tế nông thôn, đồng thời thúc đẩy phát triển ngành thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn và đô thị.

          Chương trình OCOP cũng tạo ra nhiều sản phẩm đặc trưng đậm nét văn hóa từng địa phương, góp phần phục hồi và phát triển một số sản phẩm truyền thống gắn liền với quê hương mình. Ngoài ra, chương trình OCOP sẽ thu hút lao động và nguồn vốn đầu tư về khu vực nông thôn, giúp cho xây dựng nông thôn mới bền vững, thu hẹp khoảng cách đô thị - nông thôn.

Sản phẩm hạt mắc ca Đất Việt được đánh giá đạt tiểu chuẩn OCOP.

          Theo ông Hợp, trong thời gian tới, huyện sẽ hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP tại thị trường trong và ngoài tỉnh.

          Cụ thể, huyện sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp có thể chủ động hình thành tổ chức mới hoặc tái cơ cấu tổ chức đã có theo tiêu chí OCOP. Người dân và doanh nghiệp cũng được chỉ dẫn, kết nối để tiếp cận các nguồn vốn để huy động nguồn lực, từng bước vượt qua khó khăn.

          Khi các sản phẩm tham gia OCOP cũng sẽ được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhiều người tiêu dùng biết đến. Từ đó, người dân và doanh nghiệp dần chủ động về phân phối, từng bước triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm của mình

Người sưu tầm: Đỗ Đắc Huy/Nguồn sưu tầm: Báo Nông nghiệp Việt Nam