Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021

Thứ 2, ngày 28 tháng 12 năm 2020 - 14:24

Ngày 24/12/2020, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 ngành Nông nghiệp và PTNT. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì Hội nghị


Tại điểm cầu Tuyên Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang chủ trì hội nghị, cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, đại diện một số doanh nghiệp nông nghiệp và một số Hợp tác xã nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

 

 

Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu
dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang (Ảnh: Trà Mi – Quang Thành)

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2020 là năm khu vực nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức chưa từng thấy. Cùng với đại dịch Covid-19, thiên tai khốc liệt dị thường. Toàn ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực vượt khó, sáng tạo, khát vọng vươn lên, bám sát thực tiễn, quyết liệt hành động với các giải pháp cơ cấu lại ngành, đổi mới mô hình tăng trưởng, khơi thông nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Các chỉ tiêu chủ yếu Chính phủ giao đều đạt và vượt kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,2 tỷ USD; Trên 62% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đi vào thực chất, hiệu quả hơn; quy mô và trình độ sản xuất được nâng cao, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các lợi thế từng vùng, miền, chuyển dịch theo hướng hiện đại, tăng trưởng giá trị sản xuất khá cao trên hầu hết các lĩnh vực. Thị trường tiêu thụ nông sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 41,2 tỷ USD, duy trì 09 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1,0 tỷ USD; Tổ chức liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp tiếp tục được đổi mới phù hợp với thị trường, sản xuất hàng hóa lớn; nhiều mô hình liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, hợp tác xã theo chuỗi được triển khai nhân rộng. Năm 2020, thành lập mới được 14 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 1.555 HTX nông nghiệp, nâng tổng số lên 68 Liên hiệp HTX nông nghiệp, 17.300 HTX nông nghiệp; thành lập mới 1.055 doanh nghiệp, nâng tổng số lên trên 13.280 doanh nghiệp nông nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ thúc đẩy cả 3 trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát triển, tăng cả về số lượng và chất lượng. Hiện đã có 5.506 xã, 173/664 huyện đạt chuẩn nông thôn mới

Năm 2020, Chương trình OCOP đã có những kết quả nổi bật. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Kế hoạch đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia và bộ tài liệu tập huấn Những kiến thức cơ bản về Chương trình Mỗi xã một sản phẩm để các tỉnh thống nhất thực hiện, nhiều hội nghị, hội thảo về chương trình OCOP được tổ chức thực hiện.

Để Chương trình OCOP được triển khai có hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã hỗ trợ các địa phương quảng bá và thúc đẩy phát triển Chương trình OCOP như: Phối hợp với một số địa phương tổ chức Hội chợ nông sản và OCOP các vùng miền, các Hội nghị thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của các địa phương (Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lào Cai, Nam Định, Ninh Thuận, Hậu Giang...); phối hợp tổ chức tuần quảng bá sản phẩm OCOP tại 20 siêu thị MegaMart trên cả nước. Phối hợp thử nghiệm quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Sơn La trên sàn thương mại điện tử Voso.vn. Đồng thời tổ chức triển khai thí điểm một số mô hình khởi nghiệp sáng tạo Chương trình OCOP, đề xuất sáng kiến: Phát triển sản phẩm ngành nghề nông thôn theo mô hình mỗi xã, mỗi làng một sản phẩm trong khối ASEAN.

Chương trình OCOP đã được các tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt, dự kiến đến hết năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 3.200 sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên; có 1.573 chủ thể có sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 578 hợp tác xã (chiếm 36,75%), 476 doanh nghiệp (chiếm 30,3%), 489 cơ sở sản xuất (chiếm 31,1%), còn lại là các tổ hợp tác. Công tác hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các chủ thể được các địa phương quan tâm, đặc biệt là nâng cao năng lực về quản trị, tổ chức sản xuất, chuẩn hóa sản phẩm gắn với các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại để thúc đẩy thị trường sản phẩm cho các HTX, doanh nghiệp…

Phát biểu Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao những kết quả của ngành nông nghiệp trong năm qua. Thủ tướng nhấn mạnh nông nghiệp, nông thôn nước ta trong những năm qua và năm 2020 vẫn tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế trong mọi hoàn cảnh, đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhất trí cao với những mục tiêu, nhiệm vụ mà ngành nông nghiệp đề ra trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đưa ra một số giải pháp trọng tâm mà ngành cần quan tâm thực hiện, trong đó cần tiếp tục nâng cao hoạt động kinh tế tập thể, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng nông thôn mới. Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp Việt Nam đạt một số mục tiêu năm 2021: Ngành nông nghiệp phải biến nguy thành cơ; tập trung tìm kiếm thị trường đầu ra cho nông sản; tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp đạt 3%, cao hơn năm nay; kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt trên 44 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng mà Quốc hội đã giao là 42%... đặc biệt là thành lập mới 2.000 hợp tác xã nông nghiệp để cả nước có 19.500 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 16.500 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp.

Người viết: Lê Thị Quỳnh Mai- Chi cục Phát triển nông thôn