Tạo chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm OCOP

Thứ 6, ngày 26 tháng 6 năm 2020 - 09:19

Trong những năm qua, chương trình “mỗi xã một sản phẩm” đã mang lại nhiều lợi nhuận cho nông dân, những sự lan tỏa và tạo nên thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường của những sản phẩm đặc sản OCOP là còn thấp. Để sản phẩm OCOP có chỗ đứng trên thị trường, cần khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nguyên liệu, kinh nghiệm truyền thống, giá trị văn hóa và sức lao động tại địa phương


Theo Bộ NN&PTNN, tính đến tháng 6/2020, cả nước hiện đã có 1.760 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và có quyết định công nhận, trong đó có 317 doanh nghiệp (DN) và 410 hợp tác xã (HTX) tham gia cung cấp cho thị trường. Đến hết năm 2020, cả nước sẽ đạt khoảng 2.400 sản phẩm OCOP với khoảng 500 DN nhỏ và vừa, HTX tham gia chương trình. Ngành nông nghiệp định hướng đến năm 2030 sẽ có khoảng 4.800 sản phẩm OCOP với khoảng 2.000 DN và HTX tham gia.

Trong những năm qua, chương trình “mỗi xã một sản phẩm” đã mang lại nhiều lợi nhuận cho nông dân, những sự lan tỏa và tạo nên thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường của những sản phẩm đặc sản OCOP là còn thấp.

Đánh giá về chương trình sản phẩm OCOP, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, trong hai năm gần đây chương trình gắn với nông thôn mới là có hiệu qủa, tuy nhiên sự hiệu qủa này còn thấp, chưa đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, có nhiều địa phương đã xây dựng, sản xuất được sản phẩm OCOP nhưng chính quyền xã lại không hay biết; nhiều tỉnh thực tế đã bỏ ra 70 - 80 tỷ đồng để hỗ trợ sản xuất sản phẩm OCOP, nhưng các sản phẩm lại thiếu sức cạnh tranh, chưa có chỗ đứng trên thị trường, nhiều sản phẩm có tuổi thọ rất ngắn.

               

                 Nhiều sản phẩm OCOP chưa tìm được chỗ đứng trên thị trường

        Theo ông Nam, OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị, nâng cao thu nhập của cư dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị.

Chủ thể của chương trình là do các thành phần kinh tế tư nhân gồm DN, hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện, Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện trong định hướng phát triển các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Đồng thời hỗ trợ khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ tín dụng, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm.

Tuy nhiên trong thực tế, sự phối kết hợp giữa các thành phần kinh tế cùng tham gia chương trình, sựu quan tâm chỉ đạo của chính quyền địa phương còn rời rạc, thiếu trọng tâm, dẫn đến chương trình kém hiệu quả.   

Các sản phẩm, dịch vụ được khuyến khích phát triển theo 6 nhóm, gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vải và may mặc, sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí, dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Để đẩy nhanh chương trình sản xuất có hiệu qủa sản phẩm OCOP, các địa phương cùng với DN và HTX cần củng cố, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với HTX và DN. Khuyến khích các đối tượng sản xuất, kinh doanh ở nông thôn khai thác tiềm năng về đất đai, sản vật, lợi thế so sánh của các địa phương, đặc biệt là các giá trị truyền thống để nâng cao giá trị hàng hóa.

"Chương trình OCOP không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất mà còn góp phần quan trọng ở nông thôn như giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo của người dân, hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững", ông Nam khẳng định.

                                               Người ST: Lê Thị Thu Hường/ Bài, ảnh: Hà Anh/trang ocop Việt nam