Xây dựng nông thôn mới gắn kết với phát triển OCOP

Thứ 2, ngày 30 tháng 11 năm 2020 - 13:47

Là tỉnh nông nghiệp, Sơn La đã sớm nhận diện con đường đúng đắn và hiệu quả nhất để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn, tập trung lại sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất, sản xuất theo hướng sạch, an toàn sinh học, đạt chuẩn GAP… thân thiện với môi trường. Trên cơ sở đó, địa phương đã và đang tổ chức 157 danh mục dự án theo chuỗi giá trị hàng hóa, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, góp phần hình thành và phát triển nhãn hiệu hàng hóa đặc trưng cho mỗi địa phương


Từ nhu cầu của thực tế cho thấy, để đảm bảo phát triển nông thôn bền vững thì cần chú trọng tổ chức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, việc triển khai chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới là hết sức cần thiết, phù hợp với quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, nâng cao giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường. Cũng theo UBND tỉnh Sơn La, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua, tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, địa phương, đội ngũ cán bộ cơ sở và nhân dân về chương trình xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tiến bộ. Công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh. Có sự phân công hợp lý và huy động mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, nhân dân tham gia vào thực hiện chương trình. Sản xuất phát triển với nhiều phương thức, hình thức và mô hình sản xuất, liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kết cấu hạ tầng được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, đã làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm qua từng năm, đến năm 2018 chỉ còn 25,44%, đã có tác động tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định trật tự an toàn xã hội. Đến hết năm 2018 tỉnh Sơn La đã đạt được nhiều kết quả tích cực, với 26 xã đạt 19/19 tiêu chí; 9 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 43 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 110 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí; mức thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 38 triệu đồng/người/năm.

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Tuy bước đầu đạt được một số kết quả tích cực, nhưng việc thực hiện chương trình OCOP bước đầu còn nhiều lúng túng, cán bộ quản lý thực hiện chương trình còn thiếu kinh nghiệm. Nhận thức về chương trình ở các cấp, các cơ quan, ban, ngành, địa phương, chủ thể sản xuất còn hạn chế, như: số lượng doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực chưa nhiều. Chất lượng và hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn rất thấp, sản xuất vẫn còn manh mún, việc tổ chức liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ vẫn còn nhiều yếu kém. Giá trị gia tăng của hàng hóa chưa cao, nhiều sản phẩm chưa hoàn thiện (chưa có nhãn mác, chưa được công bố tiêu chuẩn chất lượng, mã số, mã vạch, đăng ký bảo hộ sở hữu chí tuệ còn thiếu..) chủ yếu là sản phẩm thô, chưa được tiêu chuẩn hóa, chưa có quản lý truy xuất nguồn gốc, chưa tạo được thương hiệu bền vững.

Do vậy, giá cả, khả năng tiêu thụ còn bấp bênh, thiếu ổn định, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều tiềm năng lợi thế chưa được khai thác hiệu quả, việc ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của chủ thể sản xuất còn hạn chế, thiếu tư duy thị trường, chưa chủ động trong phân phối và tiếp thị sản phẩm, nhiều chủ thể chưa tự tin đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, hoặc tự hài lòng với quy mô sản xuất hiện tại… Đây là những khó khăn, thách thức, cần tập trung tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP của tỉnh Sơn La trong thời gian tới.

Một mô hình nuôi ong mật ở Sơn La

Thực tế cho thấy, chương trình OCOP là một mô hình mới, với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không thể nóng vội mà phải bền bỉ và thực hiện theo chu trình trong quá trình triển khai để thúc đẩy sự sáng tạo của người dân. Ngay từ ban đầu, tỉnh Sơn La cũng đã tích cực vào cuộc, bám sát sự chỉ đạo của Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối Trung ương và các Bộ, ngành có liên quan… tổ chức hội nghị cấp tỉnh hướng dẫn điều tra, khảo sát phục vụ xây dựng đề án. Trong quá trình hoàn thiện đề án, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện giai đoạn 2018-2020 và kế hoạch thực hiện năm 2018, 2019. Qua đó, các cấp, các ngành đã có sự đồng thuận, hiểu và ý thức rõ về vai trò của chương trình. Hiện nay, tỉnh cũng đã chỉ đạo quyết liệt về công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhận ý tưởng sản phẩm, kế hoạch kinh doanh, triển khai kế hoạch kinh doanh, đánh giá xếp hạng sản phẩm, xúc tiến thương mại trên địa bàn 12 huyện, thành phố. Chẳng hạn, ngày 17/5 vừa qua tại Hà Nội, UBND tỉnh Sơn La phối hợp với siêu thị Big C Thăng Long tổ chức khai mạc Tuần lễ Xoài và nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019. Sự kiện này đã thu hút 20 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia 30 gian hàng bày sản phẩm: Xoài, ổi, bưởi da xanh, chuối… Đặc biệt, năm nay, lần đầu tiên quả xoài Sơn La được chọn là sản phẩm chính để giới thiệu tới người tiêu dùng…

Từ những kết quả đạt được và những khó khăn tồn tại yếu kém trong phát triển sản xuất, tỉnh Sơn la rút ra một số bài học kinh nghiệm để thực hiện chương trình OCOP, đó là:

Một là, cần tập trung quán triệt, tuyên truyền mạnh mẽ để nâng cao nhận thức cho cộng đồng, cho cấp ủy, chính quyền các cấp, đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng về sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu để thống nhất trong nhận thức và hành động.

Hai là, cần nhận thức và ứng xử đúng với tầm quan trọng của chương trình OCOP theo quy luật kinh tế và gắn với lợi ích của đối tượng, hướng tới phải gắn với trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong chỉ đạo triển khai thực hiện. Phân công lãnh đạo đứng đầu Ban chỉ đạo có đủ thẩm quyền quyết định các nhiệm vụ của chương trình. Hình thành bộ máy chỉ đạo đủ mạnh, có quy chế làm việc, có phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng và thường xuyên kiểm điểm, sơ tổng kết rút kinh nghiệm. Cơ quan điều phối cấp tỉnh hình thành bộ phận nghiệp vụ OCOP, cấp huyện cần có từ 1-2 cán bộ chuyên trách tham mưu giúp việc được đào tạo để có trình độ năng lực, nhận thức, có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc được giao.

Ba là, chương trình phải được tổ chức quản lý khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện. Thiết lập được tính pháp lý của toàn bộ chương trình như: chu trình, tài liệu hướng dẫn, Bộ Tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá và phân hạng sản phẩm, hệ thống chính sách,… Xây dựng được hệ thống chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hỗ trợ phát triển sản phẩm, thương hiệu của từng sản phẩm, kế hoạch chuyên biệt, cụ thể bài bản về phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia. Trong đó xác định được chuỗi sản phẩm OCOP cấp tỉnh và chuỗi sản phẩm OCOP cấp quốc gia gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi trên nền tảng hỗ trợ phát triển nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, công tác hướng dẫn lập và quản lý các dự án đầu tư, các dự án sản xuất.

Bốn là, tập trung chỉ đạo điểm tạo bước đột phá ngay từ nhóm sản phẩm đầu tiên, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó tăng cường hướng dẫn hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy suất nguồn gốc… đảm bảo theo quy định.

Năm là, tính hệ thống và tổ chức của chương trình phải được tổ chức chặt chẽ và được trao nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp để thực hiện. Phải khởi động, thúc đẩy được sự đề xuất, tính sáng tạo từ dưới lên, ttừ nhân dân, nhóm hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã… Người đứng đầu trong Ban Điều hành OCOP các cấp phải có đủ thẩm quyền để điều hành và quyết định công việc.

Sáu là, xác định xúc tiến thương mại là bước then chốt của chu trình, Sơn La đã và đang tổ chức tham gia xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, tại các hội chợ, triển lãm, hội nghị… hết nối cung cầu. Hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu tạo lập, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững.

Cũng theo UBND tỉnh Sơn La, để tiếp tục triển khai chương trình OCOP đạt hiệu quả, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hỗ trợ công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông giới thiệu sản phẩm OCOP để nhiều người biết đến các sản phẩm OCOP. Có hướng dẫn cụ thể với cộng đồng dân cư, các tổ chức đăng ký sản phẩm mới tham gia chương trình OCOP. Kịp thời tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về quản lý, cách thức tổ chức thực hiện chương trình, sớm phê duyệt và ban hành tài liệu, sổ tay hướng dẫn thực hiện chương trình OCOP và bộ tiêu chí đánh giá xếp hạng sản phẩm chung để địa phương có cơ sở thực hiện. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản hướng dẫn nội dung hỗ trợ cụ thể về phát triển sản phẩm mới và sản phẩm hoàn thiện nâng cấp; hỗ trợ các điểm bán sản phẩm OCOP, xây dựng quy định thống nhất chung trong quản lý đối với các điểm bán hàng OCOP từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để địa phương làm căn cứ quy định cụ thể hóa việc hỗ trợ…/.

                           Người sưu tầm: Đỗ Đắc Huy/Nguồn: Văn phòng Điều phối NTM Trung Ương