Ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm OCOP

Thứ 2, ngày 30 tháng 11 năm 2020 - 08:11

Thanh Hóa đã phân bổ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất hoàn thiện tem nhãn, bao bì, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP.


Mới đây, Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP đợt 2, năm 2020. Theo đó, TP Thanh Hóa có 5 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng 3 sao.

Việc tham gia Chương trình OCOP được kỳ vọng sẽ nâng cao giá trị cho các sản phẩm địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố.

Thời gian gần đây, ngoài công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia Chương trình OCOP, Thanh Hóa đã phân bổ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các cơ sở sản xuất hoàn thiện tem nhãn, bao bì, xúc tiến thương mại.

                    Ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm OCOP

Cùng với đó, xây dựng 5 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Thanh Hóa và huyện Nga Sơn nhằm quảng bá sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Nhiều địa phương trong tỉnh cũng có cơ chế, chính sách hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP với mức từ 50 - 100 triệu đồng/sản phẩm.

Thực tế, khi bắt đầu thực hiện Chương trình OCOP, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn. Đó là nhận thức của người dân chưa đầy đủ về Chương trình, sản xuất hàng hóa thiếu tập trung, chưa xác định được mục tiêu của sản phẩm.

Các sản phẩm đặc thù của địa phương còn manh mún, nhỏ lẻ, tự cung tự cấp. Người dân chưa chú trọng đến xây dựng, thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm chất lượng và đẹp mắt để thu hút người tiêu dùng.

Ngoài ra, việc chỉ đạo, tuyên truyền, vận động tham gia thực hiện Chương trình còn hạn chế, chưa xác định được lợi ích tham gia, nhiều địa phương lúng túng trong việc thực hiện Chương trình.

Để khắc phục những hạn chế, Thanh Hóa cần một chiến lược và bước đi phù hợp, nhất là nguồn kinh phí hỗ trợ cho mỗi sản phẩm. Đặc biệt, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình và chú trọng nâng cấp các sản phẩm đăng ký tham gia, giám sát tiêu chuẩn chất lượng.

Tỉnh cũng cần tăng cường quảng bá giới thiệu các sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, tín dụng. Doanh nghiệp và người nông dân chú ý tới việc đẩy mạnh liên kết tiêu thụ, nâng cao giá trị thương hiệu tạo sự phát triển bền vững cho các sản phẩm OCOP.

Người sưu tầm: Lê Thị Thu Hường/Nguồn: Bài Linh Anh/ Ocop Bộ Nông nghiệp.