Chương trình OCOP đã đi vào cuộc sống

Thứ 5, ngày 24 tháng 9 năm 2020 - 16:18

Sau 2 năm triển khai, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã tạo ra bước tiến mới, mang tính “bước ngoặt” trong sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch ở các địa phương. Để hiểu rõ hơn nội dung này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Tiến


- Cục trưởng, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương.

Xin ông cho biết một số nét khái quát về kết quả mà Chương trình OCOP đạt được trong 2 năm qua?

Có thể nói, sau 2 năm triển khai, Chương trình OCOP đã thực sự đi vào cuộc sống, được cả hệ thống chính trị, nhất là người dân nông thôn và những chủ thể hưởng ứng. Hiện nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã đồng loạt phê duyệt đề án, 40 địa phương đã triển khai phân hạng và đánh giá sản phẩm OCOP. Từng sản phẩm khi tham gia sẽ được đánh giá, phân hạng từ 1 sao - 5 sao. Chúng ta đặt mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ có 2.400 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, tuy nhiên, đến thời điểm này đã có 1.882 sản phẩm được đánh giá, phân hạng, đạt 75% chỉ tiêu. Chúng tôi tin, mục tiêu số lượng hoàn toàn có thể đạt được. Vấn đề quan tâm hiện nay của các địa phương cũng như Ban chỉ đạo Trung ương là làm thế nào để tập trung vào chất lượng.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Cục trưởng, Chánh văn phòng

Điều phối nông thôn mới Trung ương

OCOP được đánh giá là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị cho sản phẩm tiềm năng, lợi thế, đặc sản… ông có thể chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này?

Trong định hướng phát triển ngành nông nghiệp chúng tôi chia ra 3 nhóm sản phẩm: Thứ nhất là nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia. Ví dụ như: Gạo, cà phê chúng ta đã xây dựng thương hiệu chung cho cả quốc gia. Thứ hai là nhóm sản phẩm chủ lực của từng tỉnh, thành phố như: Vải thiều Bắc Giang, nhãn lồng Hưng Yên, xoài Đồng Tháp… Thứ ba là nhóm sản phẩm đặc sản, mà hiện nay chúng ta bắt đầu dùng khái niệm sản phẩm OCOP.

Nhóm sản phẩm thứ ba là nhóm có tiềm năng lớn nhất, vì nước ta có nhiều vùng khí hậu, địa lý khác nhau và mỗi vùng miền lại có dư địa phát triển các sản phẩm đặc sản chủ lực truyền thống của vùng miền đó. Đặc biệt, khi Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổ chức triển khai đã đáp ứng được đúng nhu cầu của nhiều địa phương, nhất là vùng khó khăn. Ví dụ như Hà Tĩnh - vùng đất thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi khí hậu khắc nghiệt. Do vậy, Hà Tĩnh đã đi vào phát triển những sản phẩm đặc sản của địa phương như: Bưởi Phúc Trạch, cam Khe Mây, nhung hươu Hương Sơn… Tuy những sản phẩm này có quy mô nhỏ nhưng lại có giá trị gia tăng cao và phù hợp, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Ngoài Hà Tĩnh còn có một số địa phương phát triển những sản phẩm đặc sản thành công như: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Lai Châu…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định phát triển Chương trình OCOP theo 3 trụ cột: Nông nghiệp thông minh, nông dân thông minh và công chức thông minh. Vậy, những chương trình hành động cụ thể trong thời gian tới để đạt được mục tiêu này là gì, thưa ông?

Chúng tôi coi Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 là giai đoạn triển khai đại trà nhưng cũng mang tính thí điểm, để rút ra những bài học kinh nghiệm trong cách đều hành, tổ chức triển khai cơ chế, chính sách...

Hiện nay, chúng tôi đang triển khai xây dựng đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025. Trong giai đoạn này, chúng tôi sẽ đưa những nội dung về ứng dụng công nghệ số, kỹ thuật số thành giải pháp trọng tâm. Triển khai ứng dụng làm sao để công nghệ thông tin, công nghệ số không chỉ hỗ trợ trong công tác quản lý nhà nước, mà phải là một nội hàm, giá trị gia tăng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ hỗ trợ mở kênh tiêu thụ, kết nối cung - cầu, đẩy mạnh hơn nữa kênh tiêu dùng hiện đại, thông qua hệ thống thương mại điện tử. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông để không chỉ các chủ thể, cơ quan quản lý nhà nước hiểu biết về OCOP mà cả người tiêu dùng cũng có thể hiểu được chương trình này.

Người ST: La Thị Duyên