Phia Xeng làm OCOP

Thứ 5, ngày 24 tháng 9 năm 2020 - 15:59

Phia Xeng là thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã Hà Lang (Chiêm Hóa). Vượt qua khó khăn, bà con nơi đây đã tích cực, chủ động trong sản xuất, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, đoàn kết, nỗ lực vượt khó xây dựng cuộc sống ngày càng ổn định, ấm no.


Vượt qua con đường gập ghềnh, chông chênh, đoạn thì lởm chởm đá hộc, đoạn thì lầy lội, trơn trượt khi vừa qua trận mưa rào đêm trước, bản Phia Xeng hiện lên trước mắt chúng tôi là một khung cảnh hoàn toàn thơ mộng, yên bình. Bước vào thôn Phia Xeng, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là những đồi cam trĩu quả, đang vươn mình xanh tốt nối tiếp nhau ôm trọn các nóc nhà. Con đường bê tông nhỏ sạch sẽ, uốn lượn quanh các sườn đồi. Không giống đồng bào Dao các nơi khác, các gia đình đồng bào Dao ở Phia Xeng không sống tập trung, mà ở rải rác các triền đồi, chân núi. 


Bà con người Dao Phia Xeng chăm sóc cam.

Chị Trần Thị Hương, Trưởng thôn Phia Xeng, chia sẻ: Trước đây đường trong thôn chỉ là đường mòn, rất khó đi và nguy hiểm. Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước về xi măng, nhân dân trong thôn đã góp công, góp tiền mua vật liệu bê tông hóa trục đường liên thôn. Vì bà con còn nghèo, thôn đã chia làm nhiều đợt làm, mỗi năm làm 200 - 300 m, đến nay, thôn cũng đã bê tông hóa được 2,7 km, trong đó có 2,4 km là đường trục thôn, 300 m đường ngõ. Con đường bê tông sạch sẽ, thuận tiện cho việc đi lại, đời sống bà con cũng được cải thiện. Địa hình thôn chủ yếu đất đồi đá, nhiều khe suối, ít đất ruộng sản xuất, bà con nơi đây chủ yếu phát triển kinh tế cây lâm nghiệp, trồng cam. 

Hiện nay, Phia Xeng có 86 hộ dân, 100% số hộ là đồng bào dân tộc Dao. Toàn xã Hà Lang có hơn 60 ha cam, riêng thôn Phia Xeng chiếm 52 ha cam, bình quân mỗi năm Phia Xeng xuất trên 1.000 tấn quả cam ra thị trường. Cam chính là cây trồng chủ lực, cũng là sản phẩm được chính quyền xã Hà Lang lựa chọn thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của xã. 

Anh Ma Văn Mầm, Chủ tịch UBND xã Hà Lang cho biết, xã đã xây dựng thành công vùng chuyên canh cây ăn quả (cam) tại thôn Phia Xeng. Hiện nay, xã đang tiến hành các bước thực hiện chương trình OCOP. Trước mắt, đẩy mạnh tuyên truyền nhân dân hiểu ý nghĩa của chương trình, đồng thời vận động nhân dân trồng và chăm sóc cam theo đúng quy trình, hạn chế sử dụng thuốc hóa học. Anh Trần Văn Quốc - một người dân thôn Phia Xeng phấn khởi nói: “Gia đình tôi có 4 ha cam, mỗi năm thu từ 30 - 40 tấn quả. Được xã chọn cây cam là cây chủ lực, sản phẩm OCOP, đồng nghĩa giá trị kinh tế cam cũng được nâng lên, chúng tôi rất vui và phấn khởi. Nhận thức được điều đó, chúng tôi rất quan tâm khâu chăm sóc. Nếu trước kia, phun thuốc trừ cỏ, phân hóa học, phun thuốc hóa học, thì nay, chúng tôi chuyển sang phát cỏ bằng máy, bón phân chuồng, sử dụng thuốc trừ sâu bệnh đúng quy trình, quy định. Chính vì vậy, những năm qua, cam Phia Xeng được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Diện tích cam được mở rộng, thu nhập người dân cũng được nâng lên từng năm”. 

Từ trồng cam, trồng rừng, nhiều gia đình đã có cuộc sống ấm no. Như gia đình Bí thư Chi bộ Trần Văn Quyên, đã tích cực trồng cây keo, trồng cam, đồng thời tận dụng đất đồi thấp trồng ngô chăn nuôi gà, vịt, lợn. Hiện nay, gia đình anh có 10 ha rừng trồng, hơn 2 ha cam đã cho thu hoạch quả. Ngoài ra, anh còn mua máy cuốc đất làm kinh doanh dịch vụ... Nhờ đó, gia đình anh đã có cuộc sống khấm khá, xây dựng nhà ở gần 1 tỷ đồng, chuồng trại chăn nuôi được xây dựng quy mô. Anh Quyên chia sẻ: “Ở vùng đất khó, nên mình cần phải cố gắng, nỗ lực cần cù lao động. Gia đình tôi có 2 vợ chồng, vợ tôi là giáo viên mầm non trong bản. Hằng ngày, ngoài đi làm máy cuốc, tôi trồng cây, chăm sóc vườn cam. Năm 2019, gia đình tôi thu hơn 25 tấn cam, thu 150 triệu đồng. Dự kiến vườn cam năm nay khoảng 30 tấn”. Cũng giống anh Quyên, gia đình chị Phùng Thị Hà, nhờ trồng cam, trồng rừng, chăn nuôi trâu, đã có cuộc sống dần ổn định. Gia đình chị Hà là 1 trong 6 hộ được thôn xét thoát nghèo năm nay. Hiện nay, Phia Xeng có hơn 100 ha rừng trồng, 52 ha cam, 11 ha đất ruộng.

Nhờ sự cần cù, chịu khó, nhanh nhạy, người dân bản Dao Phia Xeng đã khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay hạ tầng giao thông chính là hạn chế sự phát triển của thôn. Từ trục chính xã vào thôn dài 6 km, hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng, xe ô tô chở hàng hóa không vào được. Mùa thu hoạch cam, người dân phải tăng bo bằng người gánh, chở xe trâu, công nông 2 - 3 đoạn mới đến được chỗ ô tô thu mua. Vì thế, giá thành cam tại thôn cũng thấp hơn so với các địa phương khác. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, cũng như giá trị sản phẩm, nhân dân Phia Xeng rất mong được Nhà nước đầu tư xây dựng con đường. 

Những đổi thay ở Phia Xeng ngày hôm nay, bên cạnh sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước phải kể đến tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó của bà con. Bà con trong thôn duy trì và phát triển văn hóa dân tộc, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. 

                   Người ST: Lê Thị Thu Hường/Bài, ảnh: Bàn Thanh/Báo Tuyên Quang