Chỉ dẫn địa lý: Cơ hội cho nông sản nhập làn đường cao tốc

Thứ 2, ngày 27 tháng 9 năm 2021 - 15:55

Sau sản phẩm Cam sành Hàm Yên, Chè Shan tuyết Na Hang, bưởi Soi Hà của huyện Yên Sơn đã nhập vào “làn đường cao tốc” trong cuộc đua đưa nông sản ra thị trường, và rộng hơn là ra với thế giới, khi vùng địa lý được chỉ dẫn, bảo hộ rộng rãi.


Giấc mơ của những “trái mùa thu”

Vùng chỉ dẫn địa lý của sản phẩm bưởi Soi Hà vừa được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ, gồm các xã Phúc Ninh, Xuân Vân, Chiêu Yên, Lực Hành, Tứ Quận, Trung Trực, Quý Quân, Tân Long, Kiến Thiết, Tân Tiến, Lang Quán và thị trấn Yên Sơn. Hơn 4.000 ha bưởi đã giúp cho cuộc sống của người dân những xã này thay đổi từng ngày.

Sau nhiều năm loay hoay với bài toán “trồng cây gì, nuôi con gì”, người dân thôn Cây Nhãn, xã Tứ Quận đã lựa chọn được cây trồng phù hợp theo cách khá tình cờ. Trưởng thôn Tạ Văn Quang cho biết, ở Cây Nhãn có một số người dân là người gốc Hoài Đức (Hà Nội) lên khai hoang từ thời bao cấp. Những năm 2000, một số hộ về quê chọn những gốc cam, gốc bưởi từ quê lên ươm trồng. 3 anh em Nguyễn Văn Quang, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Vi... được coi là người khai đường, khi những gốc bưởi đầu tiên họ mang lên bén rễ ở Cây Nhãn và cho trái ngọt. Ông Nguyễn Văn Vĩnh chia sẻ, khi lựa chọn được cây phù hợp với chất đất, anh em ông cứ thế nhân rộng dần mô hình. Từ những gốc cam, gốc bưởi đầu tiên, giờ 3 anh em ông đã có những vườn cây ăn quả 6  - 7 ha.

Bưởi Phúc Ninh (Yên Sơn) năm nay giảm 1/3 sản lượng so với năm 2019, nhưng người  trồng bưởi vẫn vui khi sản phẩm đã được chỉ dẫn địa lý. (Trong ảnh: Vườn bưởi của ông Nguyễn Tiến Hoàn, thôn Soi Tiên, người bên trái ảnh).

Từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, cuối năm 2020, Hợp tác xã sản xuất dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Thịnh được thành lập. Giám đốc Hợp tác xã Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, câu chuyện “giấu nghề, giấu kinh nghiệm” trong chăm sóc, bảo quản trái cây được khắc phục. Anh em thành viên chia sẻ với nhau từ kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, đến các kỹ thuật để trái cây chín rải vụ, không tập trung vào một thời điểm nhất định. 600 tấn hoa quả của hợp tác xã, chủ yếu là bưởi và cam, giờ đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc vận chuyển, tiêu thụ có phần khó khăn hơn, nhưng niềm vui của những người nông dân quê ông cũng không vì thế mà giảm đi. Ông Vĩnh bảo, có nhãn hiệu, có chỉ dẫn địa lý, thì câu chuyện đưa nông sản ở Cây Nhãn vào các siêu thị sẽ thuận tiện hơn nhiều. Những người nông dân quê ông sẽ không phải tất bật lo “được mùa mất giá, mất mùa được giá” hay loay hoay với lời kêu “giải cứu” mỗi vụ thu hoạch nữa.

Không riêng gì người trồng bưởi Tứ Quận, những người nông dân cả năm chăm chút cho những “trái mùa thu” ở Yên Sơn không giấu được niềm vui, và cả trách nhiệm để nông sản của huyện mình định hình với người tiêu dùng cả nước. Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Ninh Nguyễn Mạnh Hà cười bảo, xã có lập một nhóm zalo của các bí thư chi bộ, trưởng thôn. Câu chuyện rôm rả nhất mấy ngày hôm nay là câu chuyện bưởi Soi Hà, trong đó có vùng bưởi Phúc Ninh đã được cấp chỉ dẫn địa lý.

Không vui sao được, khi ở Phúc Ninh, trong 1.500 ha cây ăn quả, thì có đến 1.000 ha bưởi. Cây bưởi bao phủ khắp vùng đất đồi, những ngày này, cả xã như một chiếc đèn lồng khổng lồ, được trang trí bởi những cành bưởi lúc lỉu. Giám đốc Hợp tác xã trái cây hữu cơ Tạ Văn Quang bảo, năm nay, thời tiết không thuận lợi, trận mưa lớn đúng thời điểm trái cây đã bắt đầu to bằng bóng đèn khiến nhiều nhà vườn thiệt hại nặng nề. Nếu so với năm 2019 - năm mà sản lượng bưởi ở Phúc Ninh đạt cực điểm, thì sản lượng bưởi năm nay chỉ đạt khoảng 1/3, tương đương với khoảng 8 triệu quả.

Sản lượng giảm, dịch bệnh gây khó khăn cho đầu ra, nhưng những người trồng bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ ở Phúc Ninh không mất giá. So với mức giá thu mua bưởi sản xuất theo kiểu truyền thống, thì bưởi hữu cơ ở Phúc Ninh và nhiều địa phương khác của Yên Sơn vẫn đạt 10 - 12 nghìn đồng/quả, gấp đôi so với bưởi loại thường. Một số loại “đặc sản hơn cả đặc sản”, như bưởi da xanh, vẫn được giá 25 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng/quả.

Ở Phúc Ninh, câu chuyện trồng bưởi, chăm sóc theo tiêu chuẩn sạch đang được chính quyền xã vận động, hướng dẫn các nhà vườn nhân rộng. Sau Hợp tác xã trái cây hữu cơ, năm 2021, Phúc Ninh thành lập một tổ hợp tác sản xuất bưởi VietGAP, với 10 thành viên, diện tích trên 15 ha. Tổ trưởng tổ hợp tác Nguyễn Tiến Hoàn cho biết, giờ sản xuất sạch, sạch hơn đã “bám” vào tư duy của những người nông dân Phúc Ninh. Vất vả hơn, kỳ công hơn, nhưng thành quả thu được xứng đáng hơn nhiều… Giờ, bưởi Soi Hà đã được chỉ dẫn địa lý, mỗi nhà vườn như ông phải thêm ý thức bảo vệ và phát triển thương hiệu cộng đồng chứ!

Thêm cơ hội cho nông sản

Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ sản phẩm nông sản được xem là một hướng đi có hiệu quả nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị cho nông sản Tuyên Quang. Bên cạnh đó, bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ trao cho doanh nghiệp, tổ chức, địa phương quyền được “ngăn cấm” những người không có thẩm quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, hoặc đối với những sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý đã nêu, loại trừ những mặt hàng thuộc cùng một khu vực địa lý nhưng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng. Đặc biệt, bảo hộ chỉ dẫn địa lý để chúng không trở thành một tên gọi chung, làm mất đi tính phân biệt với các hàng hóa thông thường khác.

Cam sành Hàm Yên được chỉ dẫn địa lý, trở thành sản phẩm được ưu tiên lựa chọn với người tiêu dùng cả nước.

Tuyên Quang hiện đã có 3 sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý là Cam sành Hàm Yên, Chè Shan tuyết Na Hang và Bưởi Soi Hà của Yên Sơn. Hiện, Sở Khoa học và Công nghệ tiếp tục phối hợp với các huyện rà soát, lựa chọn các sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, đặc sản để có kế hoạch phát triển và thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trong giai đoạn 2021 - 2025. Dự kiến, trong năm nay, ngành sẽ báo cáo, đề xuất UBND tỉnh cho phép 5 tập thể được sử dụng tên địa danh để lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Có đăng ký nhãn hiệu, có chỉ dẫn địa lý, nhưng để nông sản Tuyên Quang có thể mở rộng thị trường, thì việc sản xuất sạch, sạch hơn để hình thành các vùng sản xuất nông sản an toàn cũng luôn được tỉnh chú trọng. Hiện nay, những vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP đã được hình thành rộng rãi ở các địa phương, đảm bảo sản phẩm đến tay người tiêu dùng là những sản phẩm sạch và an toàn. Cách làm của các địa phương hiện nay là đảm bảo các yếu tố đầu vào như vật tư giống cây trồng cho đến quản lý, chăm sóc, bao gói, truy xuất nguồn gốc… đều phải chuẩn, sau đó mới đưa sản phẩm đi giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ và tiếp cận thị trường.     

Địa chỉ: Phòng Kinh tế hợp tác và Hành chính – Tổng hợp

Nguồn: https://baotuyenquang.com.vn